APEC thúc đẩy thương mại, khơi thông vaccine Covid-19

Ngày 5-6, các bộ trưởng thương mại đại diện cho 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhóm họp theo hình thức trực tuyến. Mục đích nhằm thảo luận về việc thúc đẩy thương mại và tạo thêm nguồn cung vaccine Covid-19 cho các thành viên. 

Duy trì mở cửa thị trường

Cuộc họp được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor. Ông O’Connor mô tả đại dịch Covid-19 là “cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế lớn nhất trong cuộc đời của chúng ta”, cần sự ứng phó mang tính hợp tác của APEC.

Bộ trưởng O’Connor khẳng định, thương mại giữ một vai trò quan trọng để đảm bảo khu vực phát triển thịnh vượng về kinh tế bằng cách duy trì mở cửa thị trường giữa các nước. Bên cạnh đó, Bộ trưởng O’Connor cho biết, ông “đề nghị bộ trưởng thương mại các nền kinh tế APEC thúc đẩy tiếp cận vaccine và hàng hóa cần thiết khác để chống lại đại dịch, bằng cách hợp lý hóa và đẩy nhanh các thủ tục thương mại có liên quan”.

APEC thúc đẩy thương mại, khơi thông vaccine Covid-19 ảnh 1 Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor chủ trì cuộc họp

Các quốc gia thành viên APEC chiếm phân nửa thương mại hàng hóa toàn cầu, bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, ba nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tháng 5-2021, Liên hiệp quốc ước tính thương mại toàn cầu tăng kỷ lục 10% trong quý 1-2021, phần lớn nhờ xuất khẩu bùng nổ từ Đông Á, trong đó có sự đóng góp chính của APEC.

Bất chấp sự bùng nổ thương mại của khu vực, APEC tuần trước cảnh báo sự phục hồi kinh tế trong năm nay dự kiến “sẽ không đồng đều”, một phần do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 ở một số quốc gia.

Theo ông Wang Shouwen, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, điều quan trọng là phải tự do hóa hơn nữa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, với tầm nhìn đạt được một thỏa thuận thương mại tự do toàn khu vực.

Ông Wang cho biết, Trung Quốc ủng hộ việc xây dựng một kế hoạch hành động cho Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040, trong đó đề ra các chương trình cụ thể cho tăng trưởng bao trùm. Ông Rodrigo Yanez Benitez, Thứ trưởng Thương mại Chile kêu gọi các thành viên APEC giữ vững niềm tin cơ bản rằng hợp tác khu vực, thị trường mở, hội nhập, đổi mới và tăng trưởng bao trùm, an toàn và bền vững là chìa khóa cho sự phát triển của khu vực.

Cần thiết bỏ thuế quan với vaccine Covid-19

New Zealand đang thúc đẩy APEC dỡ bỏ tất cả thuế quan đối với vaccine Covid-19 và các sản phẩm y tế liên quan, nhưng đang vấp phải sự phản đối của một số thành viên khi cho rằng kế hoạch này quá tham vọng.

Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng trong khi các chiến dịch tiêm chủng đang giúp các quốc gia giàu có phục hồi, thì rất ít vaccine Covid-19 đến được các quốc gia nhỏ hơn, nghèo hơn. 

New Zealand, quốc gia Chủ tịch APEC trong năm nay, cam kết thúc đẩy các thành viên bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga ký vào hai văn kiện liên quan đến Covid-19 bên cạnh tuyên bố chung chính thức được ban hành sau các cuộc họp của APEC.

Theo Reuters, tất cả 21 nền kinh tế thuộc APEC đồng ý áp dụng các hướng dẫn “thực hành tốt nhất” về vận chuyển vaccine Covid-19 và các sản phẩm y tế liên quan qua biên giới. Điều này có thể làm giảm sự chậm trễ trong việc chuyển vaccine trên toàn cầu. Các thành viên cũng có khả năng ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19.

Nhưng đề xuất của nước chủ nhà về việc vận chuyển thuốc, thiết bị y tế, sản phẩm vệ sinh và các hàng hóa khác được miễn thuế đang gây tranh cãi nhiều hơn. Một quan chức thương mại thành viên APEC cho biết, các thành viên vẫn đang đàm phán về những nội dung cần đưa vào tuyên bố chung. 

Mặc dù mức thuế trung bình đối với vaccine Covid-19 trong APEC thấp, chỉ khoảng 0,8%, nhưng những hàng hóa quan trọng đi kèm trong chuỗi cung ứng vaccine như cồn, thiết bị đông lạnh, vật liệu đóng gói và bảo quản cũng như lọ và nút cao su phải chịu mức thuế suất trung bình trên 5%.

Thuế nhập khẩu những mặt hàng này có thể lên tới 30% ở một số nền kinh tế APEC. New Zealand tin rằng, một thỏa thuận về loại bỏ hàng rào thuế quan với vaccine và các sản phẩm đi kèm là cần thiết để APEC có thể đương đầu với dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục