Theo số liệu thống kê của phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, dự kiến đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng và đến năm 2025 thì Việt Nam chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước. Khi đó, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và giá năng lượng thế giới, chi phí đầu vào năng lượng sẽ tăng lên đáng kể. Đây là một thách thức lớn cho vấn đề an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Sử dụng năng lượng còn lãng phí
Theo Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM, hiện nay trong sản xuất công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải của nước ta, tình trạng lãng phí năng lượng là rất lớn. Căn cứ vào cơ cấu tiêu thụ năng lượng có thể thấy nhu cầu năng lượng ở nước ta đang tăng khá nhanh.
Nếu lấy số liệu so sánh trong khoảng thời gian giữa 2 năm 1990 và năm 2007, thì tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đã tăng từ 16,76 triệu tấn dầu qui đổi (TOE) lên 40,75 triệu TOE. Trong khi đó, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 32% thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%.Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20% nếu so với các nước còn thấp hơn nữa.
Mặt khác, theo tính toán của Trung tâm nghiên cứu tiết kiệm năng lượng TPHCM các ngành công nghiệp sản xuất xi măng, thép và dệt nhuộm cũng tiêu thụ gần 30% tổng năng lượng quốc gia, trong khi tiềm năng tiết kiệm của các ngành này là tương đối lớn từ 20%-50%.
Ông Nguyễn Công Thịnh, chuyên gia Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Xây dựng cũng cho biết, xây dựng là lĩnh vực tiêu hao nhiều năng lượng nhất. Tổng diện tích sàn của các công trình thương mại và nhà Cở cao tầng tăng trưởng với tốc độ 6%-7% năm. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy khoảng 95% các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng vào khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình. Các công trình xây dựng mới chỉ chú ý tới mặt kiến trúc chứ chưa chú ý nhiều tới tiết kiệm năng lượng.
Theo dự báo trong vòng 10 năm tới, nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ sẽ tăng gấp 3,6 lần hiện nay, do các tòa nhà thương mại được xây dựng ngày càng nhiều ở Việt Nam.Theo tính toán, các tòa nhà đang hoạt động nếu cải tạo hệ thống sử dụng năng lượng có thể tiết kiệm 15-20% chi phí sử dụng năng lượng, trong khi đó các tòa nhà mới nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp mức tiết kiệm lên đến 30-40%.
Ý thức tiết kiệm năng lượng còn thấp
Theo Bộ Công thương, giai đoạn 2010-2020 có thể xuất hiện sự mất cân đối giữa khả năng cung cấp và sử dụng năng lượng. Việt Nam sẽ chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng. Với tốc độ khai thác năng lượng như hiện nay, các nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí, thủy điện của Việt Nam sẽ trở nên khan hiếm và nguy cơ mất an ninh năng lượng hoàn toàn có thể xảy ra.
Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định và Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng. Thế nhưng đáng tiếc là cho đến nay chương trình này mới dừng ở mức vận động, khuyến khích ứng dụng và có khen thưởng chứ chưa có chế tài bắt buộc.
Hơn nữa, chế tài còn thấp nên chưa tạo ra việc quan tâm cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong việc TKNL, vì thế tổn thất và lãng phí năng lượng vẫn nhiều. Để hạn chế tình trạng này, chúng ta cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cũng như chế tài mạnh với các đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng chương mục tiêu quốc gia về phát triển và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Chính phủ.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Công Thịnh cũng cho biết, việc sử dụng năng lượng không hiệu quả có nhiều nguyên nhân như công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ kỹ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt quá nhiều trong khâu chuyển tải. Công tác quản lý việc sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp chưa được chú ý đúng mức và một điều rất quan trọng là sự thiếu hiểu biết, chưa có ý thức tiết kiệm năng lượng ở mỗi tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Chẳng hạn trong lĩnh vực xây dựng, do các rào cản như chiến lược đầu tư ngắn hạn của các chủ đầu tư, thiếu đánh giá tài chính cho các công trình “xanh”, thiếu chính sách khuyến khích của Chính phủ, thiếu các sản phẩm công nghệ “xanh”… nên hầu hết các công trình đã và đang xây dựng ở nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn “công trình xanh”, dẫn tới mức tiêu thụ năng lượng cao, thất thoát lớn.
Trong thời gian tới, các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng sẽ được quản lý chặt chẽ để từng bước nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng thông qua hoạt động dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Tiến tới sẽ loại bỏ dần các trang thiết bị, công nghệ tiêu tốn năng lượng. Chuyển giao công nghệ sử dụng nhiên liệu tái sinh, nhiên liệu sinh học.
HÀ VĂN