Từ cơ chế tập trung bao cấp bước qua nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng, sự bùng nổ về kinh tế kéo theo quá trình đô thị hóa nhanh và rộng, xuất hiện những siêu đô thị mà TPHCM và Hà Nội là tiêu biểu. Việc quản lý một đô thị được xếp hạng đặc biệt của quốc gia như TPHCM thực sự ngổn ngang nhiều vấn đề, với những khó khăn liên tục phát sinh, trong đó nổi cộm trước mắt cũng như lâu dài là lĩnh vực giao thông. Để có giải pháp khả thi, hiệu quả trong lĩnh vực giao thông đô thị (GTĐT), trước hết cần nhìn nhận đúng, sát tình hình đang tồn tại.
Thực trạng GTĐT ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng có thể khái quát: hạ tầng giao thông lạc hậu, quá tải, thiếu đồng bộ; lượng xe cá nhân, cụ thể là xe máy quá lớn (còn ô tô dù đang tăng nhanh nhưng vẫn là ít so với các nước); vận tải công cộng kém cả về số lượng lẫn chất lượng; công tác quản lý, kiểm soát, chế tài nhiều bất cập; ý thức của người tham gia giao thông kém. Như vậy, có thể nói thực trạng GTĐT nước ta đang “yếu toàn diện”, là một nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất, môi trường và phát triển nói chung. Thực tế này cho thấy các giải pháp khắc phục, cải thiện tình hình cần tập trung vào “đánh, gỡ” chính những yếu kém nói trên.
Về hạ tầng, bên cạnh việc tiếp tục phải ưu tiên các nguồn vốn toàn xã hội nhằm mở thêm, nâng cấp đường, cầu, nút giao thông…; cần quan tâm đến cả xây dựng nơi đỗ, giữ xe tiện lợi, hiện đại, tiết kiệm đất. Ngoài các trung tâm thương mại, dịch vụ do doanh nghiệp đầu tư, chính quyền TP cần quan tâm đầu tư chỗ để xe công cộng ngay từ bước quy hoạch, chủ trương đầu tư đến phê duyệt thiết kế - dự toán… Giải bài toán đầu tư tầng hầm để xe ngoài chi phí lớn và tiêu chuẩn kỹ thuật cao (mà TPHCM đang gặp khó), còn có cách thức rẻ tiền hơn. Đó là tăng thêm tầng cao các tòa nhà trường học, bệnh viện, chợ, chung cư… để sử dụng tầng trệt (thay hầm) làm nơi để xe như kiểu phổ biến tại các chung cư thế hệ trước ở Singapore. Khi có nhiều nơi để xe công cộng sẽ góp phần giảm lượng xe đậu đỗ hoặc lưu thông trên vỉa hè, chạy lòng vòng trên đường phố, dẫn đến làm tăng khả năng tắc nghẽn lưu thông. Thực tế, nếu việc nâng cấp, xây thêm nhà cao tầng ở Bệnh viện Thống nhất và Bệnh viện 115 (TPHCM) vừa qua, có làm thêm hầm hoặc dành tầng trệt cho giữ xe mọi việc sẽ tốt lên rất nhiều so với hiện tại. Mặt khác, đối với TPHCM, nếu quy hoạch vẫn giữ ga xe lửa Hòa Hưng, trong khi chưa thể hiện đại hóa toàn tuyến Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải và TPHCM cần ưu tiên đầu tư gấp đường sắt trên cao từ Bình Triệu đến Hòa Hưng (việc lẽ ra cần làm từ 20 năm trước) để giảm ùn tắc tại quốc lộ 13, các đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kiệm, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Sỹ, Hoàng Sa, Trường Sa…
Thay đổi ý thức người tham gia giao thông cũng rất cấp thiết, bởi cứ như hiện tại dù mở thêm bao nhiêu đường, cầu, hầm thì giao thông của TPHCM vẫn lộn xộn, ách tắc như thường do vấn nạn chạy xe sai làn, chạy vào đường ngược chiều, trên vỉa hè, vượt đèn đỏ, quay đầu xe tùy tiện... Đặc biệt, ở một nước phát triển, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh như Singapore, người dân đi bộ cả cây số đến ga tàu điện ngầm, trạm xe buýt, siêu thị… là bình thường, trong khi người Việt mình đi bộ chỉ vài trăm mét đã than khổ, thích “cưỡi” xe máy. Do vậy, cần thay đổi thói quen không hay này bằng tuyên truyền, vận động và đặc biệt là tăng cường biện pháp chế tài nghiêm và nặng. Trong khi chờ có hệ thống tàu điện ngầm cần tăng nhanh số lượng xe buýt cỡ trung và kiên trì phát triển xe buýt 2 tầng ở những tuyến đường đủ điều kiện, mở rộng thêm mạng lưới trạm xe buýt. Cải thiện được chất lượng dịch vụ xe buýt, nhất là xử lý triệt để tình trạng kẻ gian móc túi và thực hiện tài trợ trực tiếp cho người đi xe (thay vì chủ xe), là cách tốt nhất khuyến khích người dân đi xe buýt - giải pháp hiệu quả cho chủ trương hạn chế xe cá nhân. Để tiến tới loại bỏ xe máy tại TPHCM trong tương lai, trước mắt nên thực hiện hạn chế cục bộ (như Hà Nội đang làm ở khu vực Hồ Gươm, hay TPHCM đã thực hiện ở phố đi bộ Nguyễn Huệ), dần dần mở rộng ra theo lộ trình phù hợp nhằm tạo thói quen mới, tránh gây sốc. Riêng với ô tô, dù có chính sách hạn chế kiểu gì số lượng vẫn cứ tăng theo quy luật phát triển chung của thế giới. Vấn đề là cần chủ động khống chế tốc độ tăng theo cách của Singapore: Dùng chính sách thuế điều tiết, thực hiện đấu giá quyền mua xe, chỗ đậu xe…
Một giải pháp cấp thiết khác là phải đổi mới công tác kiểm tra, kiểm soát, chế tài trong GTĐT. Tình trạng thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu… của không ít nhân viên thực thi công vụ trong lực lượng chức năng hiện nay không chỉ gây bất bình, mà còn góp phần “kéo lùi” ý thức chấp hành luật pháp của người dân. Có nhiều việc cần cải cách, như thay vì lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông chủ yếu chốt tại các giao lộ, đoạn đường cấm… chờ người dân vi phạm sẽ xử phạt, nên tăng cường việc hướng dẫn, tuần tra trên đường phố, nhất là đường một chiều, các giao lộ hay xảy ra ùn tắc, tai nạn... Tuy nhiên, điều cốt lõi là lực lượng này phải thực sự minh bạch trong chế tài, xử lý thật nghiêm các vi phạm. Và bản thân họ cũng phải bị xử lý nghiêm khắc nếu bị người dân phát hiện tiêu cực, nhũng nhiễu.
Chính quyền cần có biện pháp hạn chế tối đa tình trạng xe thô sơ bán hàng rong, xe ba gác, xe máy kéo quá nhiều trên đường phố hiện nay; kiên quyết xử phạt những vi phạm luật như sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy; đậu xe chỗ dành cho người đi bộ và người đi bộ không đúng vạch sơn. Đặc biệt, công tác kiểm soát giao thông phải làm thường xuyên, liên tục, không làm theo kiểu phong trào lâu nay như chỉ tăng cường, xử lý nghiêm mỗi khi “ra quân”, “đợt cao điểm”, dịp lễ lớn hay chỉ khi cấp trên kiểm tra, đốc thúc.
NGUYỄN VĂN HÙNG