Triều cường là một hiện tượng tự nhiên của trái đất. Bình thường, triều cường lên xuống theo đúng quy luật của nó, thậm chí còn rất hiền hòa và thơ mộng. Song ở TPHCM những năm gần đây, triều cường ngày càng trở nên khó chịu, phiền toái và đôi khi hung hãn.
Ngoại trừ một vài yếu tố khiến đỉnh triều có thể cao hơn các năm như nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, tác động của luồng khí quyển phía trên và trung tâm khí áp thấp… việc triều cường gây ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh tế xã hội và cuộc sống người dân tại một số khu vực tại TPHCM, lại do chính tác động của con người. Trong đó phải kể đến hai nhân tố quan trọng.
Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa của TPHCM vài chục năm gần đây phát triển đến chóng mặt, phạm vi và mật độ xây dựng đô thị tăng gấp hàng chục lần so với năm 1975. Nhưng quá trình phát triển ấy không theo một quy hoạch tổng thể thống nhất và khoa học. Do đó, nhiều khu vực xây dựng sau bít dòng thoát nước của khu vực xây dựng trước và nội thành.
Thứ hai, và là nguyên nhân cơ bản: hệ thống thoát nước của TP chưa được xây dựng và hoàn chỉnh phù hợp với quy mô phát triển của TPHCM hiện tại và thích ứng cho vài chục năm hoặc 100 năm sau.
Trong khi đó, việc cải tạo hệ thống thoát nước cũ và dự án chống ngập úng - những giải pháp mang tính chất cấp bách trước mắt lại thực hiện không đồng bộ, không được đấu nối kịp thời giữa các dự án, công trình…
Vì triều cường diễn ra quanh năm nên TPHCM buộc phải giải bài toán sống chung với nó. Để sống chung với triều cường có nhiều cách, nhưng phải được thực hiện triệt để và đồng bộ. Trước hết phải có quy hoạch đô thị tổng thể khoa học của toàn TP, trong đó quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị và chống ngập lụt là nền tảng của các quy hoạch khác. Khẩn trương xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ trên cơ sở xác định chính xác cốt nền của TPHCM. Đặc biệt là nhanh chóng xây dựng hệ thống đê bao ngăn triều, kết hợp cống kiểm soát triều khép kín để bảo vệ TP.
Với 11.000 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt, dự án đê bao ngăn triều là một giải pháp khả thi không chỉ để sống chung với triều cường, mà khi kết hợp với một số dự án khác còn có thể chống ngập úng cho toàn TP khi mưa lớn hoặc các hồ thủy điện thượng nguồn đồng loạt xả lũ.
TPHCM là một đô thị lớn nhất nước, luôn tự hào vì chiếm 1/5 GDP của cả nước. Nhưng nếu không khắc phục được những vấn nạn triều cường, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… tốc độ phát triển kinh tế xã hội của TP sẽ giảm và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của cả nước. Do đó, giảm ngập, trong đó có giảm ngập do triều cường, là một trong những chương trình trọng điểm của TPHCM trong 5 năm tới.
Để thực hiện thành công được chương trình này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ban ngành, các doanh nghiệp của TP, sự đồng thuận của nhân dân, nhất là những người dân nằm trên khu vực cần giải tỏa để xây dựng các công trình chống ngập, ngăn triều… Giải bài toán chống ngập thành công sẽ góp cho TPHCM phát triển bền vững trong tương lai.
PHAN LỘC