Bài toán xã hội hóa SEA Games 31

Trong tuần qua, hạng mục sửa chữa lớn nhất để phục vụ SEA Games 31 là sân vận động Mỹ Đình đã được triển khai với ngân sách dự toán hơn 150 tỷ đồng. Mặc dù đây sẽ là kỳ SEA Games tiết kiệm nhất trong lịch sử khi trong 36 công trình phục vụ thi đấu chỉ có 2 công trình được xây dựng mới nhưng trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, kinh phí thực hiện vẫn là nỗi lo lớn của nước chủ nhà Việt Nam.

Đa số các công trình phục vụ SEA Games 31 đều đã có tuổi đời 17 năm, tính từ SEA Games lần đầu tiên Việt Nam đăng cai năm 2003. Để bảo đảm chất lượng cũng như năng lực thi đấu hiện đại, dù là sửa chữa lớn hay tu bổ, nâng cấp thì vẫn phải tốn ngân sách không nhỏ. Với điều kiện thời tiết tại Việt Nam, mức độ xuống cấp sau 17 năm là rất đáng kể. Nghĩa là việc phát sinh chi phí có thể xảy ra, chưa tính đến chuyện mua mới thiết bị thay thế phù hợp.

Nhưng căng thẳng nhất không hẳn là chuyện tiền mà là kế hoạch sử dụng. Tính đến thời điểm này, SEA Games 31 vẫn không thay đổi thời gian diễn ra nhưng đó là dựa trên quyết tâm, hoàn cảnh có tính an toàn cao của Việt Nam chứ chưa tính đến các biến động khách quan đối với các bên liên quan.
Cụ thể, SEA Games 31 có thể vẫn diễn ra bình thường tại Việt Nam nhờ năng lực phòng chống dịch hiệu quả nhưng những vấn đề khác như quảng bá, tiếp thị, khai thác kinh doanh du lịch… sẽ rất khó triển khai hoặc khai thác không hiệu quả. Trong trường hợp này, cho dù có tiết kiệm tối đa thì áp lực ngân sách vẫn vô cùng lớn do nguồn thu không có, chi phí phòng ngừa rủi ro y tế tăng vọt. Việc chặng đua xe F1 Grand Prix Việt Nam phải hủy bỏ năm thứ 2 liên tiếp là minh chứng.
Nên vấn đề đặt ra lúc này không phải là SEA Games 31 có diễn ra hay không mà là chúng ta có thể xã hội hóa các hoạt động đầu tư thể thao đến mức nào; giá trị gia tăng đến đâu? Thực tế trước mắt, dù SEA Games có diễn ra đúng kế hoạch hay không thì sân Mỹ Đình và hàng chục công trình của gần 20 năm trước vẫn phải cần sửa chữa lớn trước khi tính đến chuyện khai thác phù hợp.
Ở SEA Games năm 2003, nhờ thành công ở góc độ thương mại nên các công trình đã khấu hao phần nào. Nhưng rõ ràng, tiến trình xã hội hóa để khai thác công năng của các công trình vẫn là bài toán chưa có lời giải. Ví dụ, việc khu liên hợp Mỹ Đình nợ thuế hàng trăm tỷ đồng, hiện đang bị truy thu, làm rõ sai phạm, nay lại bổ sung thêm ngân sách sửa chữa lớn thì liệu việc khai thác sau này có tốt hơn không?
Trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh và tương lai khó đoán của SEA Games 31, việc quyết liệt xã hội hóa công tác tổ chức vừa là yêu cầu vừa là cơ hội đối với ngành thể thao Việt Nam. Xã hội hóa càng mạnh, chất lượng càng cao thì gánh nặng ngân sách sẽ giảm đi. Không thể cứ tạm lấy ngân sách ra sửa chữa, sau đó mới đủng đỉnh bàn chuyện xã hội hóa mà tốt hơn hết cần có phương án ngay từ lúc này, bao gồm tính đến khả năng SEA Games 31 bị thu hẹp do hoàn cảnh.
Hơn nữa, việc giải ngân cho thể thao luôn là bài toán khó, có độ trễ nhất định thì lại càng cần đẩy nhanh việc liên kết, liên doanh khai thác công trình nhằm có chi phí kịp thời, bảo đảm đúng tiến độ. Sự năng động của những người làm thể thao rất cần được phát huy trong thời điểm này, bởi thể thao là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch Covid-19. Đấy là chỉ mới nói đến vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, còn nhiều lĩnh vực liên quan đến chuyên môn cũng cần được xã hội hóa nhiều hơn nữa nhằm giảm áp lực ngân sách.

Tin cùng chuyên mục