Bấm đúng huyệt tái cơ cấu

Gần đây, chuyện tái cơ cấu kinh tế là vấn đề thời sự nóng, được cả các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học và cả người dân quan tâm. Đó là làm sao tìm ra mô hình, những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn đang làm nền kinh tế trì trệ. Cụ thể, ngày 19-2-1013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 (gọi tắc là Đề án 339). Đúng 4 tháng sau, ngày 19-6-2013, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số nhiệm vụ triển khai trong 3 năm 2013 - 2015 nhằm thực hiện đề án. Theo đó, phân công từng ngành, đơn vị, địa phương phải hoàn thành các “sản phẩm” gắn với mốc thời gian cụ thể.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là năm 2013 khép lại. Các tỉnh, thành ĐBSCL đã và đang khẩn trương hoàn thiện và triển khai chương trình hành động thực hiện Đề án 339.

Một số địa phương đã xây dựng đề án khá nghiêm túc; trong đó xác định sản xuất nông nghiệp vẫn là nền tảng của địa phương, tập trung xây dựng đồng bộ mô hình cánh đồng mẫu, từng bước khắc phục những điểm yếu trong sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Tỉnh Đồng Tháp xác định xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ thông qua hợp đồng, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa với các sản phẩm như trái cây, hoa kiểng, rau màu, gia súc, thủy sản, gắn với xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Lợi ích được phân chia hợp lý giữa các khâu tham gia sản xuất…

Có thể nói, đây là điểm mấu chốt cần tháo gỡ cho nông sản ĐBSCL đang bị tắc nghẽn! Thế nhưng, cũng có địa phương còn lúng túng khi xây dựng triển khai Đề án 339. Cụ thể, khi đặt tên thực hiện đề án đã “bỏ quên” phần quan trọng nhất, chỉ ghi: “Đề án tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh…” thay vì “Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh…”. Có lẽ vì quên mất phần “hồn” của đề án là “gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng” nên đề án một số tỉnh có rất nhiều “sạn”. Một vị lãnh đạo tỉnh còn đề nghị bổ sung thêm vào chỉ tiêu nuôi vài ngàn hécta cá tra!? Chỉ đến khi lãnh đạo ngành nông nghiệp nhắc khéo: “Tỉnh mình không nằm trong bản đồ quy hoạch nuôi cá tra của Bộ NN-PTNT”, câu chuyện mới… tạm lắng.

Thực tế vẫn còn địa phương khi xây dựng chương trình thực hiện Đề án 339 chưa nắm bắt được đặc thù, thế mạnh của địa phương mình, chỉ loay hoay điều chỉnh tăng - giảm các chỉ tiêu sản xuất lúa, mía, tôm… Thậm chí, có ý kiến của cán bộ ngành tại địa phương cho rằng đề án có những đoạn “quá giống” văn bản của Chính phủ và cấp tỉnh không chức năng xử lý. Việc các ngành, địa phương, đơn vị cụ thể hóa Đề án 339 là rất quan trọng. Điều cốt lõi khi xây dựng đề án là cần “bấm đúng huyệt” bản chất vấn đề tại địa phương với những tồn tại, trì trệ trong sản xuất hiện nay để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển. Một thời An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ tạo lập được “tam giác vàng” trong phong trào nuôi cá da trơn. Thế nhưng, sự “hào hứng” tràn lan của nhiều địa phương đã làm cho nghề nuôi và chế biến cá da trơn rơi vào tình trạng mất kiểm soát, phát sinh nhiều vấn đề. Đó là bài học nhãn tiền.

Đối với ĐBSCL, tái cơ cấu kinh tế lần này mục tiêu chính phải là tăng thu nhập ổn định, bền vững cho nông dân. Trong đó, cần có những giải pháp cụ thể để loại trừ dần tình trạng tái nghèo. Khoảng trống trong sản xuất nông nghiệp ĐBSCL hiện nay là rất lớn. Cụ thể, các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề, tín dụng hiện nay gần như “dàn hàng ngang” mạnh ai nấy đi. Nông dân cần vốn nhưng phần lớn khi vay từ ngân hàng về họ chỉ biết chi tiêu cho gia đình, thậm chí chỉ để trả nợ. Vốn vay ngân hàng có thật sự được nông dân đầu tư cho sản xuất, làm gì để nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả cần gắn với các khóa tập huấn, dạy nghề vẫn là bài toán nan giải. Có ý kiến cho rằng, đào tạo nghề nông thôn phải gắn với việc làm cụ thể. Vì có nơi đào tạo vài trăm người nhưng khi tìm hiểu chỉ có vài người tìm được việc làm. Cho nên, vấn đề quan trọng chính là giúp người nông dân quản trị tốt chính mảnh đất mình sản xuất thông qua các mối liên kết với doanh nghiệp.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục