Trong những ngày qua, người yêu điện ảnh bất ngờ với việc 3 bộ phim do Nhà nước đặt hàng, gồm: Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Vũ điệu đam mê xuất hiện trên dịch vụ nền tảng trực tuyến Netflix. Chuyện phim Việt bị vi phạm bản quyền trên nền tảng số không phải là mới, song vẫn cứ xảy ra, bị khai thác tùy tiện, khiến công chúng lo ngại về số phận của kho phim Việt quý giá rồi sẽ ra sao?
Ngay sau khi phát hiện 3 bộ phim trên Netflix, Cục Điện ảnh đã có văn bản hỏa tốc gửi Thanh tra Bộ VH-TT-DL, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (VFS) đề nghị kiểm tra, xem xét việc cung cấp phim. Theo Cục Điện ảnh, đây là phim đặt hàng sản xuất, 100% vốn từ ngân sách nhà nước, vì vậy việc khai thác, sử dụng phải được sự đồng ý của Bộ VH-TT-DL. Công ty VFS cũng khẳng định, không cung cấp bản quyền 3 phim trên cho Netflix, các nhà phát hành trong và ngoài nước, các nền tảng trực tuyến muốn chiếu 3 bộ phim này đều cần có sự đồng ý của Bộ VH-TT-DL.
Khi thông tin này được báo chí đưa ra, đơn vị tự xưng là đại diện của Netflix tại Việt Nam đã có văn bản phản hồi, đại ý rằng họ đã làm việc với TFILM Studio - là đơn vị được ủy quyền phát hành 3 bộ phim trên. TFILM Studio cũng cho hay đã làm việc về bản quyền với VFS - đơn vị được cho là đang sở hữu bản quyền đồng thời là đơn vị được quyền chính thức phân phối, phát hành các bộ phim này.
Những người yêu điện ảnh hẳn vẫn chưa quên phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã trở thành hiện tượng của phòng vé và cũng là “hiện tượng” của dòng phim đặt hàng. Sau nhiều năm phim được hiểu là Nhà nước chi tiền và mặc định không có thu, thì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại khiến nhà quản lý lúng túng vì được “chia” lợi nhuận. Và lần này, câu hỏi tiếp tục được đưa ra là, với những phim như trên thì bản quyền thuộc về Bộ VH-TT-DL hay thuộc về hãng phim - đơn vị được nhận đặt hàng?
Trước đây, hãng phim thuộc về Nhà nước thì bản quyền phim của hãng cũng là của Nhà nước, nhưng nay hãng phim đã cổ phần hóa, thì lại là một câu chuyện khác. Còn nhớ, khi xảy ra những lùm xùm về việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, vấn đề về khai thác kho phim “khổng lồ” với hàng trăm tác phẩm điện ảnh Việt Nam cũng từng được đặt ra, nhưng lúc đó phim Việt chưa được khai thác thương mại, nên câu hỏi vẫn bỏ lửng.
Nhiều suy nghĩ đơn giản cho rằng phim Nhà nước đặt hàng toàn tiền tỷ nhưng khán giả không hào hứng, chủ yếu chỉ làm ra rồi cất kho hoặc chiếu trong các dịp lễ lạt, nên nếu phim được chiếu trên những nền tảng trực tuyến giúp khán giả tiếp cận dễ dàng hơn thì cũng cần vui mừng, bởi đây cũng là cách góp phần lan tỏa giá trị của tác phẩm. Làm ra bộ phim đến được với khán giả là điều mong muốn nhất của chủ đầu tư cũng như người làm phim, song cũng không phải vì thế mà bất chấp, coi nhẹ vấn đề bản quyền.
Đến giờ, Thanh tra Bộ VH-TT-DL chưa có thông tin chính thức, song hiện tượng này một lần nữa đặt lại yêu cầu về xử lý quyết liệt nạn xâm phạm bản quyền phim Việt. Phim đặt hàng, với kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, do vậy, mỗi bộ phim làm ra cũng chính là tài sản của người dân, là tài sản quốc gia, không thể tùy tiện khai thác.