Trước tác động nhiều mặt của suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Xuất thân từ một nền sản xuất phổ biến là nông nghiệp lạc hậu, các doanh nghiệp Việt Nam dù đã rất nỗ lực vươn lên, song vẫn rất kém cỏi về công nghệ và tỏ ra hụt hơi về vốn trong cuộc đua với các doanh nghiệp nước ngoài. Với tiềm lực kinh tế yếu ớt, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất khó phát triển ngay trong thời kỳ được nhà nước “bao bọc” bằng chế độ ưu đãi đặc biệt của thời bao cấp. Nay trong giai đoạn đất nước buộc phải mở cửa, hội nhập và chế độ bao cấp cũng chấm dứt, những khiếm khuyết của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bộc lộ rõ nét.
Chỉ trong vài năm gần đây, hàng loạt doanh nghiệp có truyền thống lâu đời, có thị phần nội địa tưởng như rất bền vững đã bị các tập đoàn kinh tế khổng lồ của nước ngoài thôn tính. Sự “xâm lược” của các tập đoàn kinh tế nước ngoài không chỉ diễn ra ở một vài ngành mà lan rộng trong hầu hết các lĩnh vực của cả nước. Các cuộc thôn tính này càng trở nên dễ dàng và nhanh hơn nhờ nhà nước đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp và phát triển thị trường chứng khoán.
Trên thực tế, 97% trong tổng số các doanh nghiệp tư nhân và cổ phần hóa ở nước ta cho đến nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, đối với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia khổng lồ, việc mua hết vốn liếng của các doanh nghiệp này chẳng có gì là khó khăn. Trong bức tranh của nền kinh tế toàn cầu, dù ở nơi này nơi khác ảm đạm, song ở Việt Nam vẫn là một trong những nơi hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư.
Nhưng những thông số thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta đang tỷ lệ nghịch với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Nhiều thương hiệu nổi tiếng đang bị hòa tan vào các siêu tập đoàn nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam được coi là mạnh và đang tồn tại vốn đã ít ỏi, cũng đứng trước nguy cơ biến mất do trào lưu thôn tính ngày càng mạnh của các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Trước tình trạng này, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam giữ được bản sắc, chiếm lại thị trường của chính mình và cao hơn là phát triển thương hiệu ngày càng mạnh, chống lại sự thôn tính của các tập đoàn kinh tế nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng?
Để làm được điều đó, theo các chuyên gia kinh tế, trước hết mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải tự lớn lên, nâng cao trình độ quản lý của mình trong thời đại bùng nổ của khoa học công nghệ; thu hút và tăng nhanh nguồn vốn bằng nhiều kênh và nhiều hình thức; liên kết liên doanh hình thành những tập đoàn kinh tế mạnh; mở rộng thị trường mà trước hết là thị trường trong nước. Đặc biệt là phải hình thành và duy trì bản sắc riêng của doanh nghiệp để có thể đứng vững trước những biến động của kinh tế thế giới. Mặt khác, nhà nước cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bằng hệ thống chính sách về vốn, về phát triển thị trường trong và ngoài nước, về xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt…
Một vấn đề rất quan trọng là sự hỗ trợ từ phía người tiêu dùng. Chính người Việt Nam là yếu tố quyết định đến thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp Việt Nam trước khi các doanh nghiệp này hướng đến thị trường nước ngoài rộng lớn hơn. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được phát động trong cả nước, song nó cần được triển khai sâu rộng và có hiệu quả trên thực tế… Tất cả những yếu tố trên sẽ tạo nền tảng cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển vững chắc trước áp lực của các tập đoàn kinh tế nước ngoài.
Phan Lộc