Xem một chương trình bao gồm các trích đoạn cải lương, đa phần là tuồng quen mình vẫn không mắc cỡ chút nào khi nói rằng mình “mê” cải lương lẫn mê nghệ sĩ từ nhỏ xíu tới giờ vẫn không thay đổi. Vẫn lâng lâng khi nghe réo rắt đàn sáo, vẫn phê rụng tim khi nghe xuống xề vọng cổ, vẫn mê mẫn khi xem nhưng vũ đạo đẹp mắt của các nghệ sĩ. Nhưng có một điều khiến mình vô cùng khó chịu khi ngoài những anh chị quen thiệt còn có những người “quen giả”. Đó là những nghệ sĩ - thường là trẻ, cứ cố bắt chước mình giống một người nào đó. Chị này thì giống cô Lệ Thủy, dù từ ca đến diễn dở hơn cô rất nhiều; anh kia thì lại giống chú Minh Vương dù mặt anh đẹp rất nhiều so với chú nhưng vẫn khiến mình thấy họ là những cái bóng nhợt nhạt của người đi trước.
Mình cũng là diễn viên, chắc chắn mình không phải diễn giỏi đến mức đặt cho mình một phong cách, cũng không thành công đến nỗi tạo cho mình một cover nào đó, lại càng không biết mình đang diễn giống ai, dù khán giả trong lúc nào đó có thể nhìn thấy mình giống thoáng một cô chú, anh chị nào đó đi trước. Thế nhưng mình luôn nghĩ, cái quan trọng nhất khi làm nghề là học liên tục, không biến mình thành bản sao, dù là bản sao tuyệt hảo, huống chi cứ ngồi coi những bản sao nhiều lỗi của các anh chị đó mình cứ thấy khó chịu quá!
Ngồi nghĩ lại, thấy xung quanh mình bản sao không thiếu, nhưng những bản sao nhợt nhạt thì vẫn chỉ mãi là những bản sao nhợt nhạt và người ta chỉ biết “con nhỏ giống Lệ Thủy”, hay “cậu giống Vũ Linh” chứ khán giả không kịp nhớ họ là ai để mà gọi tên. Chỉ có những bản sao biết biến mình thành “bản chính” thì mới có cơ hội tồn tại, đôi khi còn “hoành tráng” hơn bản chính. Vũ Luân là một ví dụ. Thật tình mình không thích Vũ Luân lắm vì mình đã trót “yêu” chú Vũ Linh, đến nỗi hồi xưa đi học ngày nào cũng để dành tiền mua gần cả trăm tấm hình của chú Vũ Linh bỏ trong cặp, mỗi khi buồn lấy ra ngó, cứ ước được thấy mặt ngoài đời coi chú đẹp cỡ nào. Nghe chú hát giọng ngọt lịm mà điếng hồn, cứ băng cassette nào mà có Vũ Linh là nhà mình có, nhiều khi mua rồi mà băng sau có hình đẹp hơn băng trước lại mua. Mua về, ngoài nghe còn có cảm giác hễ mua càng nhiều đĩa của chú là “thân” chú hơn. Nên khi thấy Vũ Luân giống y hệt, có điều nhỏ con hơn và hát giống y chang chú Vũ Linh, mình ghét dễ sợ. Cương quyết không coi “hắn”.
Mãi sau này thấy anh thành lập nhóm này nhóm nọ, hoạt động từ thiện rồi làm nhiều chương trình để vực dậy cải lương, mình mới xem. Thật tình là nể. Vì ngoài hát tốt anh còn có vũ đạo rất cừ, hình như cái này ảnh hơn chú Linh, mình chưa thấy chú Linh lộn ngược đầu như ảnh bao giờ! Và như vậy Vũ Luân đã tạo được dấu ấn cho riêng mình.
Bên kịch cũng có Trấn Thành, hình như ảnh là fan ruột của anh Trung Dân, mấy năm trước lúc nào cũng nghe ảnh hết lời ngợi khen cả tài văn lẫn tài diễn của anh Dân và cả tài... nói nhảm cực duyên. Thậm chí Thành còn diễn Trung Dân mọi lúc mọi nơi, mà công nhận dù đẹp trai hơn anh Dân nhưng Thành diễn giống thiệt, đến trong nghề ai cũng biết danh, gọi là Trung Dân 2. Ai dè sau đó thấy Trấn Thành đầu tư một album riêng, tự sản xuất khá nghiêm túc, một điều mà bản chính chưa mần bao giờ. Rồi ảnh tham gia vài cuộc thi trên truyền hình mà cuộc nào cũng là quán quân, chiến thắng một cách thuyết phục bởi tài hát, múa điêu luyện. Giờ nói đến Trấn Thành là người ta nói đến một nghệ sĩ đa tài với sức kiếm tiền khủng. Ai nghĩ sao không biết, mình nể Trấn Thành khi biết chọn và đầu tư con đường cho mình đi, quan trọng hơn là trong đó Thành không còn là Trung Dân nữa mà đã là chính mình.
Nghĩ lại mới thấy, một phần cải lương yếu dần có lẽ ngoài những yếu tố khách quan, còn lại là do nghệ sĩ, họ chưa thật sự tạo chỗ đứng trong lòng khán giả, nếu đến sân khấu chỉ để coi những bản sao của Minh Vương, Lệ Thủy, Kim Tử Long, Mỹ Châu... thì thôi để mua đĩa về coi bản thiệt cho sướng. Hình như không ai nói điều đó với những bản sao!
NSƯT HẠNH THÚY