Củ Chi là địa bàn xa nhất của TPHCM nhưng là nơi triển khai khá sớm chủ trương đưa báo Đảng đến khu dân cư của Thành ủy TPHCM. Sau cuộc làm việc với Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Bu đã trực tiếp chỉ đạo việc triển khai nội dung Kết luận 16-KL/TU để đưa tiếng nói của Đảng bộ TP xuống dân ngay từ ngày 1-7. Sau gần một tháng triển khai, chúng tôi đã có dịp trở lại nơi này.
Tại ấp Đình, ấp lớn nhất của xã với hơn 5.000 dân, khi báo về là giao cho trưởng ban mặt trận ấp đi phát luôn, trừ bữa nào có họp thì phát luôn khi các tổ trưởng về dự. Anh Phan Văn Tháo (Phó Bí thư kiêm Trưởng ấp) cho biết: “Muộn nhất khoảng 11 giờ là có báo đọc, bà con phấn khởi, vui vẻ lắm”. Không chỉ các tổ trưởng lớn tuổi, mà ở ấp này còn có tổ trưởng tổ nhân dân mới 22 tuổi là anh Nguyễn Minh Tuấn (Phó Bí thư Chi đoàn ấp) cũng có báo Sài Gòn Giải Phóng đọc hàng ngày. Anh thích đọc các mục phóng sự - hồ sơ và quan tâm tới thông tin về giáo dục.
Tại ấp Tân Lập (xã Tân Thông Hội), từ hơn một tháng qua, bà con ở các tổ dân phố, ấp cũng đã có điều kiện đọc báo hàng ngày. Anh Lê Hiền Lương, tổ trưởng tổ 4, không giấu được vẻ phấn khởi: “Báo về đến vùng sâu, vùng xa là rất hay vì trước tụi tui thích đọc báo nhưng cũng chỉ đọc ké, có khi lên UBND xã, có khi xin Hội Cựu chiến binh, giờ đây có báo rất thuận tiện và 9 giờ là có rồi, mong cho báo có được lâu dài”. Mỗi ngày, sau khi đọc xong anh Lương “để tờ báo tại quán cà phê cóc ngay ngã tư đường gần nhà để bà con ai uống cà phê muốn đọc thì có cái đọc”.
Phú Mỹ Hưng là nơi xa nhất của huyện Củ Chi, gần giáp Tây Ninh - nơi có địa đạo Bến Dược thì tờ báo của Đảng bộ TPHCM cũng kịp phát hành đến với dân từ ngày 1-7. Báo được Bưu điện huyện phát hành tới xã, sau đó các ấp cử người đến lấy về phát cho các tổ và thường khoảng 9 - 10 giờ thì các ấp thông báo cho các tổ trưởng đến lấy, ngày nào cũng vậy. Do địa bàn rộng, ấp xa nhất cách UBND xã khoảng 5km nên báo đến tay tổ trưởng muộn hơn nhưng tất cả trưởng ấp và tổ trưởng nhân dân đều có báo đọc trong ngày.
Tại xã Nhuận Đức, một xã có địa hình chữ C ôm gọn địa đạo bến Đình, nhờ sự nhiệt tình của anh Đỗ Thế Dương (cán bộ văn phòng UBND xã) chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Văn Huân (trưởng ấp Bàu Cạn) về tình hình của ấp và trong đó có việc đọc báo hàng ngày. Trước đây, khi còn công tác trong ngành giáo dục ông hay xem báo Sài Gòn Giải Phóng nhưng 4 năm qua, về hưu chỉ “đọc lai rai”.
Ông cho hay, từ ngày có đọc báo nên họp giao ban tuần rồi anh em bàn tán có phần sôi nổi hơn xung quanh chuyện nhân sự Quốc hội. Từ cuối tháng 7, báo Sài Gòn Giải Phóng do bưu tá đưa về đến ấp khá sớm, khoảng 9 - 10 giờ; có người ở gần đến lấy, còn thì ông trực tiếp đi phát cho các tổ. Ông nhận xét ngắn gọn: “Có báo bà con mê lắm, báo về nội trong buổi sáng là được”.
Nói về chủ trương đưa báo Sài Gòn Giải Phóng đến dân theo tinh thần Kết luận 16 của Thường trực Thành ủy TPHCM, anh Nguyễn Chí Cường (Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Củ Chi) cho rằng: “Đây là ý Đảng lòng dân, đưa báo Đảng đến cơ sở, phát huy hiệu quả tốt, bà con được cung cấp thông tin cần thiết trên tất cả các lĩnh vực nên có tác dụng lớn tạo ra sự đồng thuận xã hội cao, đáp ứng yêu cầu phát triển dân trí và mở rộng dân chủ từ trong Đảng ra ngoài xã hội. Nhất là với Củ Chi và ở nhiều địa phương khác, cán bộ cơ sở còn hạn chế về điều kiện tiếp xúc thông tin nên việc đưa báo về cơ sở cũng góp phần nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở”.
Văn Phong