Báo động nạn trộm cắp thiết bị hạ tầng kỹ thuật

Bán ve chai được là… xử
Báo động nạn trộm cắp thiết bị hạ tầng kỹ thuật

Tình trạng mất trộm các loại thiết bị vật tư hạ tầng kỹ thuật đô thị không phải chuyện mới mẻ tại TPHCM, nhưng có dấu hiệu bùng phát mạnh vào dịp cuối năm. Mới đây, chính quyền TPHCM phải ra chỉ thị yêu cầu các ban ngành chức năng tăng cường công tác quản lý.

Nắp đậy bằng kim loại các công trình hạ tầng kỹ thuật dễ bị một số đối tượng đánh cắp. Ảnh: Kim Ngân

Nắp đậy bằng kim loại các công trình hạ tầng kỹ thuật dễ bị một số đối tượng đánh cắp. Ảnh: Kim Ngân

Bán ve chai được là… xử

Bất kể là dây điện chiếu sáng công cộng, nắp hố ga, cửa chắn rác hay bó vỉa cây xanh, miễn có thể bán ve chai được thì đều trở thành đối tượng bị một số thành phần bất hảo trộm cắp. Thời gian qua, việc mất cắp các loại vật tư, thiết bị hạ tầng kỹ thuật công cộng diễn ra ngày càng nhiều ở khắp TP, trong đó những điểm nóng tệ trạng rơi vào các huyện Củ Chi, Hóc Môn; các quận 12, 2, 9, Thủ Đức… Hầu hết các vụ trộm cắp trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật đều xảy ra ở địa bàn các huyện ngoại thành hoặc các quận mới, xa trung tâm TP và xa cả khu dân cư.

“Con mồi” lý tưởng cho kẻ cắp chính là những chỗ vắng người, khu đồng trống, tường thành trong khi thời điểm dễ xảy ra trộm cắp là lúc đêm khuya hoặc sáng sớm. Chỉ tính riêng 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, khối lượng trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật bị kẻ trộm “khoắng” đi trong năm ngoái đã tương đương 9,6 tỷ đồng. Trên đoạn quốc lộ 1A từ ngã tư An Sương đến vòng xoay An Lạc, trong 6 tháng đầu năm 2012 đã mất hơn 100 nắp cống và gần 100 lưới chắn rác. Tình hình bị mất trộm tại các địa phương khác như Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 cũng vậy.

Một đặc điểm khác đáng chú ý không kém, đó là qua các vụ trộm cắp bị phát hiện, xử lý, lực lượng công an các quận huyện ghi nhận toàn bộ những kẻ trộm cắp vật tư, thiết bị hạ tầng kỹ thuật đều rơi vào diện không nghề nghiệp, không biết chữ hoặc chỉ mới học tới cấp 2, thậm chí không ít thủ phạm trong số đó là con nghiện.

Thiệt hại từ những vụ cắt trộm này nhiều khi rất nặng nề nhất là khi hệ thống viễn thông bị gián đoạn, hệ thống chiếu sáng ở địa phương bị vô hiệu hóa. Sau đó, cơ quan chức năng phải cất công khôi phục, vừa tốn kém về tài chính, vừa mất thời gian, công sức.

Báo động đỏ

Trước tình hình này, một số biện pháp kỹ thuật đã được các cơ quan chức năng triển khai áp dụng. Có thể nhắc đến những biện pháp như buộc chặt dây nguồn chiếu sáng vào đầu trụ bê tông, lấy nhiều đoạn dây cáp thép ngắn buộc chặt thêm vào các móc đỡ dây tại các đầu trụ bê tông, giới chuyên môn gọi là “nóp dây”; lắp thử nghiệm ở một số nơi hệ thống báo động bằng điện tử: khi kẻ trộm cắt trộm dây, còi sẽ tự động hú vang đồng thời báo tin đến số điện thoại đã được cài đặt sẵn; ngầm hóa bê tông hệ thống dây hạ tầng kỹ thuật…

Trong các biện pháp ấy, cách ngầm hóa hệ thống dây cáp được nhiều người xem là an toàn nhất, hiệu quả nhất và trong thực tế, đúng là ở những đoạn, những nơi đã ngầm hóa, không còn xảy ra cắt trộm nữa. Thế nhưng hạn chế lớn nhất của biện pháp này là đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thường gấp khoảng từ 3 đến 3,5 lần so với dây kéo nổi. Trong khi đó, ngành cây xanh đang thí điểm làm vỉ bó vỉa cây xanh bằng nhựa cứng không thể tái chế để không gợi lòng tham của bọn trộm.

Còn ngành điện tổ chức một xí nghiệp tuần tra giám sát, thường xuyên phối hợp cùng các phường xã, ngành giao thông lập tổ tuần tra. Ngành điện cũng đang thí điểm lắp hệ thống cảnh báo khi có đường dây bất kỳ bị cắt để kịp thời ngăn chặn.

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục đưa ra nhiều giải pháp đối phó với tình trạng trên, thế nhưng hiệu quả đạt được trong thực tế chưa cao. Trước tình hình trên, UBND TPHCM đã phải ban hành chỉ thị về vấn đề này. Trong chỉ thị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu các sở, ban ngành và chính quyền các quận huyện tăng cường công tác quản lý, phòng chống mất cắp tài sản công thuộc các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn.

Nói cách khác, với chỉ thị này, UBND TP đã nâng tầm công tác phòng chống mất cắp vật tư, thiết bị hạ tầng kỹ thuật lên cấp TP, trong đó tất cả các cơ quan liên quan phải tham gia tăng cường phòng chống. Chỉ thị nhấn mạnh, chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức quản lý và bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phân cấp trên địa bàn quản lý, phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định và chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng có ý kiến cho rằng TP cần có biện pháp quản lý chặt các điểm thu mua ve chai, phế liệu. Chính quyền địa phương cần yêu cầu, ràng buộc những nơi này không mua dây cáp điện thoại, dây điện, nắp cống, lưới chắn rác. Một khi “đầu ra” không có, kẻ trộm cũng không còn đất để… hành nghề.

Thiện Nhân

Tin cùng chuyên mục