Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 9.000 - 12.000 người chết vì tai nạn giao thông và theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thì con số này đang có dấu hiệu giảm xuống trong khoảng hai năm gần đây, còn gần 9.000 người vào năm 2014. Tai nạn giao thông thực sự là điều làm cho mọi người kinh sợ, nó cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình. Thế nhưng, tại một hội thảo về an toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức mới đây, một số chuyên gia và đại diện các cơ quan chức năng đã báo động rằng, con số người chết do tai nạn giao thông lại “chưa đáng kể” so với số lượng người chết vì những căn bệnh hiểm nghèo, trong đó không phải là đại dịch gì lây lan nghiêm trọng mà chính là bệnh ung thư.
Tại một hội thảo quy mô quốc gia về bệnh ung bướu, các chuyên gia về y tế cũng cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có tới 75.000 người chết vì căn bệnh ung thư và cứ mỗi năm lại có khoảng 150.000 người mắc mới. Tính trung bình, mỗi ngày đang có hơn 200 người Việt chết vì ung thư và nếu các trường hợp chết vì tai nạn giao thông xảy ra nóng bỏng nhất vào các dịp Tết Nguyên đán, cao nhất là khoảng 35 người/ngày thì vẫn còn kém tới 6 lần so với số chết do ung thư.
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 Bộ Công an) dẫn lại lời của các chuyên gia y tế cho rằng, trong số các bệnh nhân chết vì ung thư mỗi năm có tới 90% - 95% là do môi trường và thực phẩm, thông qua ăn uống (chỉ có khoảng 5% còn lại là do yếu tố di truyền). TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khẳng định, hàng ngày người dân đang phải ăn các loại thực phẩm bị “tẩm độc” bởi những loại hóa chất độc hại được nhập công khai hoặc nhập lậu vào trong nước để sản xuất, bảo quản. Có lẽ cũng không cần phải nhắc lại các vụ vi phạm an toàn thực phẩm được phanh phui thời gian gần đây. Và điều này thực sự đáng báo động đỏ, là hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề mất an toàn thực phẩm ở nước ta. Rõ ràng, các loại thực phẩm “bẩn” từ món thịt, cá và rau củ tươi sống bày bán ngoài chợ cho tới đồ ăn, thức uống đóng hộp, được chế biến sẵn, các món lạm dụng hóa chất bảo quản, kích thích… đang là thủ phạm vô hình hoặc “con dao ngầm” đe dọa sức khỏe và tính mạng của hàng vạn người, nói đúng hơn là hàng chục triệu người, thậm chí là tương lai của cả giống nòi, sự ổn định xã hội.
Chưa bao giờ người dân cảm thấy bất an về thực phẩm như hiện nay. Ở các đô thị, vài năm gần đây rộ lên nghịch cảnh cười ra nước mắt, đó là cha mẹ hoặc người thân ở quê xa phải cần mẫn tự nuôi trồng thực phẩm sạch để gửi xe khách, xe đò cho con cái, thân nhân đang sống và làm việc ở các thành phố vì không dám ăn rau, thịt ngoài chợ. Tại Hà Nội và TPHCM đang xuất hiện ngày càng nhiều những vườn rau trên ban công, sân thượng, thậm chí nuôi gà và heo trong khu dân cư… Lâu nay, vẫn còn hồ nghi về thực phẩm bẩn cứ trồi lên lại lắng xuống khi các cơ quan quản lý nỗ lực trấn an dư luận hoặc ra quân kiểu “chữa cháy” khi các sự cố thực phẩm bùng lên, được phản ánh. Nhưng con số người chết vì ung thư mỗi năm do ăn uống đáng để chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, không thể làm ngơ, né tránh được nữa. Và dù có né tránh các loại thực phẩm tươi sống bẩn như thịt, cá, rau củ quả… mua ở chợ như thế nào thì người dân vẫn khó thoát được các loại đồ ăn chế biến, đóng hộp nhan nhản trên thị trường, chỉ cần đứng ở bất cứ cổng trường tiểu học nào cũng có thể cảm nhận được. Chưa kể các loại thực phẩm, bánh kẹo giá rẻ, không rõ nguồn gốc, chất lượng quá kém, hàng giả, hàng nhái tuồn về nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiêu thụ. Và những gì mà người dân tại các đô thị đang phải tìm cách sống chung cho thấy sự vào cuộc chưa thật sự hiệu quả của các cơ quan quản lý về thực phẩm thuộc Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT mặc dù ngân sách mỗi năm được rót cho chương trình này không phải ít.
Để lập lại trật tự trong sản xuất chế biến cũng như thị trường thực phẩm, chắc chắn phải triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ nhưng không phải là quá khó như khi định hướng phát triển một nền kinh tế hoặc cải cách giáo dục... nếu các cơ quan chức năng thực sự vào cuộc, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đề xuất khởi tố hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành, nói không với bao che, tiêu cực. Thực phẩm đã trở thành vấn đề rất quan trọng, đe dọa sức khỏe hàng triệu người dân, cần thống nhất về một đầu mối quản lý và các cơ quan chức năng cần phải có những họp bàn sâu kỹ để tìm ra giải pháp “đặc trị” dứt điểm vấn nạn đáng báo động này.
VĂN PHÚC