Một số cựu lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị, muốn lấy lại cảng Quy Nhơn, cần phải tiếp tục làm rõ những tổ chức, cá nhân nào đã “bán rẻ” cảng Quy Nhơn, xử lý nghiêm và công khai, minh bạch…
Chậm trễ do nhà đầu tư
Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, liên quan đến việc Bộ GT-VT chậm thu hồi lại cảng Quy Nhơn, ông Vũ Hoàng Hà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 2005 - 2010) tỏ ra thắc mắc, vì sao đến bây giờ, chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ tại cảng Quy Nhơn vẫn chưa được thực hiện? Ông Hà nói: “Trước hết, cán bộ, đảng viên và nhân dân ở Bình Định có chung một suy nghĩ: vì sao cho đến nay các cơ quan, đơn vị và cá nhân vẫn chưa thực hiện theo kết luận của Tổng Thanh tra Chính phủ?”.
Lý giải về việc chậm trễ trên, một lãnh đạo Vinalines cho biết, do Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (gọi tắt là Công ty Hợp Thành) vẫn chưa tính toán được số tiền hợp lý để thỏa thuận chuyển nhượng. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo cho Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, giao Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ GT-VT làm việc, tính toán để sớm có những chỉ đạo nhanh chóng tiếp nhận cảng Quy Nhơn. Qua đó, Vinalines đã đề nghị Công ty Hợp Thành phải giải quyết dứt điểm trong tháng 3-2019. “Trong kết luận Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi 75,01% CP tại cảng Quy Nhơn, nhưng phải đảm bảo được lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư đang có tính toán đảm bảo đỡ thiệt hại cho họ”, vị này nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vinalines, đơn vị này không chấp nhận mua lại 75,01% CP tại cảng Quy Nhơn theo mức giá thị trường được. Vinalines chỉ chấp nhận mua lại cảng Quy Nhơn với mức giá như ban đầu đã bán cho Công ty Hợp Thành. Còn các khoản như mất đi chi phí cơ hội hoặc lãi suất ngân hàng đối với số tiền trước kia nhà đầu tư bỏ ra để mua cảng thì sẽ được tính toán thêm. Nếu thấy phù hợp, Vinalines sẽ báo cáo lên cấp trên phê duyệt, đồng ý chủ trương thì mới trả thêm khoản này cho Công ty Hợp Thành. Tuy nhiên, phải trên cơ sở là vừa phải, phù hợp. Còn nhà đầu tư lợi dụng vào đó để tính toán thêm các khoản nữa thì không chấp nhận được. Nếu nhà đầu tư vẫn không chấp thuận, Vinalines sẽ báo cáo lên trên để có hướng dẫn xử lý tiếp theo…
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Bao giờ mới mua lại được cảng Quy Nhơn về cho Nhà nước? Lãnh đạo Vinalines trả lời rằng: “Bây giờ nói chắc chắn thì rất khó, thực chất là không trả lời được câu này đâu. Tuy nhiên, cái này cũng phải làm sớm thôi để sớm ổn định tư tưởng người lao động, cán bộ nhân viên tại cảng Quy Nhơn nữa… Bây giờ thực sự không có vướng mắc gì hết, chỉ do nhà đầu tư họ làm quá lâu thôi. Vinalines vẫn đang liên tục thúc giục, mời họp rất nhiều lần, nhưng nhà đầu tư vẫn đang tính toán để đưa ra giá mới”.
Nhà nước chỉ cần nắm giữ 51% CP
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà nhấn mạnh: Bộ GT-VT nếu muốn mua lại cảng Quy Nhơn cần phải tính toán cho kỹ lưỡng. Không thể ép nhà đầu tư phải chuyển nhượng lại với giá ban đầu hoặc rẻ hơn giá thị trường được. Về nguyên tắc, cái sai này là do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mình sai chứ không phải là nhà đầu tư. Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, cũng không nói là Công ty Hợp Thành sai. “Nhà đầu tư người ta không hề buộc chúng ta đi CP hóa ở cảng Quy Nhơn. Thế nên, họ có quyền bỏ tiền ra mua cảng Quy Nhơn giá nào cũng được, nếu đạt được thỏa thuận. Còn nếu trước đó, DNNN đang nắm giữ CP chi phối của Nhà nước tại cảng Quy Nhơn không đồng ý với giá đó thì ai có quyền dám mua chứ?”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, bây giờ cần phải tính toán cả lãi suất từ khi Công ty Hợp Thành mua cảng Quy Nhơn cho đến nay; cần phải xác định thêm, từ khi mua cảng Quy Nhơn đến nay nhà đầu tư đã đầu tư những gì, sau đó mới đi đến đàm phán để tìm thỏa thuận hợp lý. Sau khi mua lại được cảng Quy Nhơn, cần phải đánh giá lại toàn bộ giá trị hiện hữu tại cảng, sau đó tổ chức đấu giá công khai. “Theo ý kiến của tôi, không nhất thiết Nhà nước phải nắm giữ 75,01% CP. Bởi, nếu Nhà nước giữ 75,01% CP cộng với 5% CP của cán bộ, công nhân viên thì đã lên trên 80% CP rồi. Như vậy, chỉ còn lại 20% CP, khó có khả năng nhà đầu tư nào mua lại. Nhà nước chỉ cần nắm giữ 51% CP cũng đã có đủ quyền điều hành rồi”, ông Hà đề xuất.
Trong một lần trả lời Báo SGGP, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 1996 - 2001) Tô Tử Thanh nêu ý kiến: “Các anh chủ trương bán cảng Quy Nhơn, đã bán thì xem như là hàng hóa rồi, ai có tiền thì họ mua thôi. Đằng này, anh còn chỉ định họ mua, đương nhiên họ bỏ tiền ra mua, giờ bảo họ sai ở chỗ nào? Nên xem xét lại, nếu không thì phải ra tòa. Bây giờ, Bộ GT-VT cần phải xác định giá trị thực của cảng Quy Nhơn và của Công ty Hợp Thành là bao nhiêu. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ nắm lại 75,01% CP hoặc bao nhiêu đó. Số còn lại nên ưu tiên cho Công ty Hợp Thành tham gia. Tại vì Hợp Thành đã mua cảng này rồi, trong quá trình CP hóa, Hợp Thành kinh doanh đang có hiệu quả. Có hay không việc “đi đêm” trong chỉ định thầu thì tôi không biết, nhưng ở đây rõ ràng không có căn cứ nào nói là Hợp Thành sai”.
Ông Tô Tử Thanh thắc mắc: “Hiện, một vấn đề cơ bản vẫn chưa được làm rõ đó là: tổ chức cá nhân nào chủ trương bán cảng Quy Nhơn cho tư nhân, tại sao tổ chức và cá nhân nào xác định giá trị của cảng Quy Nhơn chỉ có 404 tỷ đồng, có “lợi ích nhóm” ở đây hay không? Đây là 3 vấn đề cốt lõi nhất, cần phải giải quyết trước khi Nhà nước nắm lại, quản lý cảng Quy Nhơn”. Tương tự, ông Vũ Hoàng Hà nhấn mạnh thêm, đối với những đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc bán “rẻ như cho” cảng Quy Nhơn thì phải xử lý một cách nghiêm túc. Việc xử lý phải công khai, minh bạch để cán bộ, đảng viên và nhân dân Bình Định được biết.