
Sáng 1-8, tại TP Cần Thơ, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Giáo dục - Đào tạo ĐBSCL, nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động này trong 5 năm qua và xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2010, có định hướng đến năm 2020. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chủ trì hội nghị. Tham dự còn có các nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành, viện, trường ở ĐBSCL và TPHCM.
Bước chuyển biến mới
Từ sau Hội nghị Phát triển Giáo dục – Đào tạo ĐBSCL vào tháng 1-1999 đến nay, nhất là khi có các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công tác GD-ĐT ở ĐBSCL đã có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Tổng kết giai đoạn 2001 – 2005, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển nhận định: “Công tác GD-ĐT ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện tích cực mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của vùng; các tỉnh, thành đã có nhiều chủ trương, chính sách tác động tích cực đến hoạt động của ngành; nhận thức của nhân dân về vai trò GD-ĐT đã được nâng lên”.

Do điều kiện tự nhiên, học sinh ĐBSCL đến trường rất khó khăn. Trong ảnh: Học sinh Cà Mau bơi xuồng đi học.
5 năm qua, quy mô của các ngành học, bậc học, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ giáo viên ở ĐBSCL phát triển khá. Mạng lưới trường tiểu học và THCS đã phủ khắp các xã, phường; hầu hết các huyện, quận, thị đều có trường THPT; 24 trường đại học, cao đẳng phân bố đều khắp địa bàn…
Đến thời điểm này, các địa phương trong vùng đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, đang từng bước tiến tới phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Hiện nay, tốc độ tăng quy mô học sinh THPT khoảng 7,5%/năm, quy mô trung học chuyên nghiệp tăng 13%/năm.
Trong 5 năm qua, đã có 578.770 người được đào tạo nghề. Hầu hết các tỉnh trong vùng đều nâng cấp, mở rộng quy mô và xây dựng mới các trường dạy nghề; hình thành hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung học y tế có đủ năng lực cung cấp nhân lực bậc trung học như điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ cho địa bàn.
Một trong những khó khăn cơ bản nhất của GD-ĐT ở ĐBSCL là cơ sở vật chất kỹ thuật. Tuy nhiên, từ các chương trình quốc gia và nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài, đến nay, ĐBSCL đã cơ bản xóa bỏ các trường học tranh, tre, lá, nhất là tình trạng học ca 3.
Chỉ tính riêng chương trình kiên cố hóa trường học, đến cuối năm 2004, nguồn vốn công trái giáo dục đã đầu tư cho ĐBSCL hơn 608 tỷ đồng để xây dựng 6.652 phòng học. Năm 2005, nguồn chi ngân sách cho GD-ĐT ở ĐBSCL đạt 3.921 tỷ đồng, bình quân 232.309 đồng/người dân.
Khó khăn và... ray rứt
Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu mang đến hội nghị một tâm tư chưa giải đáp được: Là vùng đất giàu tiềm năng, sản xuất lúa, thủy sản, cây ăn trái, xuất khẩu đứng đầu cả nước, nhưng GD-ĐT ở ĐBSCL hiện nằm ở vị trí thấp nhất trong bản đồ GD-ĐT của cả nước. Do đâu và vì sao như thế?
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, về giáo dục mầm non, năm học 2004 - 2005, tỷ lệ trẻ em dưới 3 tuổi đi học ước đạt 5,6%; mẫu giáo 67%, thấp nhất so với cả nước. Tỷ lệ học sinh THPT so với dân số trong độ tuổi chỉ đạt 26, 99%. Bình quân có 93,02 học sinh tiểu học, 69,82 học sinh THCS và 26,31 học sinh THPT/1.000 dân, thấp nhất so với cả nước.
Về giáo dục thường xuyên, quy mô và mạng lưới của ĐBSCL thấp hơn ĐB Sông Hồng và một số khu vực khác. Trong khi đó, đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập: cả nước có 7% dân số trong độ tuổi lao động có bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp nhưng ĐBSCL chỉ có 3,3%.
Từ năm 2001 đến năm 2004, dân số ĐBSCL tăng gấp 4 lần Tây Nguyên, nhưng mỗi năm chỉ có 22.000 thí sinh trúng tuyển vào các trường CĐ, ĐH (bằng 2 lần số thí sinh trúng tuyển của Tây Nguyên và bằng 1/3 số thí sinh trúng tuyển của ĐB Sông Hồng). Quy mô sinh viên ĐH, CĐ/10.000 dân của ĐBSCL chỉ cao hơn vùng Tây Bắc.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành gần 2 giờ phân tích và đánh giá nguyên nhân những yếu kém của công tác GD-ĐT ở ĐBSCL. Theo đồng chí, với tinh thần đạo lý và trách nhiệm, trung ương và các địa phương cần nghiêm túc nhìn lại mình trong việc đối xử với vùng đất này. Một vùng tiềm năng như thế, thử thách như thế, đóng góp nhiều cho đất nước như thế mà còn khó khăn đến thế.
Sắp tới, theo đồng chí, phải tập trung đầu tư, chỉ đạo mạnh mẽ hơn, phân công phân cấp cụ thể hơn thì mới mong đưa công tác này ở ĐBSCL theo kịp ĐB Sông Hồng trong 15 năm nữa! Cần thiết, phải tổ chức một cuộc “đi B” trong thời bình, để nhanh chóng xóa khoảng cách giáo dục cho miền Tây Nam bộ.
Trước tình hình đội ngũ giáo viên ở ĐBSCL thiếu và yếu, tỷ lệ giảng viên đại học, cao đẳng có trình độ sau đại học còn thấp, có thể thấy rằng nguyên nhân chính của chất lượng đào tạo thời gian qua là sự yếu kém của đội ngũ giáo viên. Nhiều đại biểu cho rằng nếu không thay đổi phương pháp và quy trình đào tạo giáo viên, thì sự nghiệp giáo dục ở vùng đất này sẽ còn nhiều bất cập. Đột phá vào khâu đào tạo giáo viên, việc nâng chất giáo dục chắc chắn sẽ được cải thiện.
Rất nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giáo dục ở ĐBSCL thấp kém là trình độ người dân còn thấp. Không đồng tình quan điểm đó, TS Lê Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ khẳng định không người dân nào muốn con em mình thất học, chỉ vì họ quá nghèo mà thôi. Nếu có dịp đi sâu vào vùng Đồng Tháp Mười hay U Minh, mới thấy đời sống người dân còn cơ cực, nhà cửa xập xệ, thiếu trước hụt sau.
Đó là chưa kể mạng lưới trường lớp ở ĐBSCL còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất còn nghèo nàn và chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đồng cảm với điều này. Theo Phó Thủ tướng, đầu tư cho GD-ĐT ở ĐBSCL nhiều năm qua còn quá thấp, chưa tương xứng.
Đây có phải là mấu chốt của sự việc? Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ray rứt: Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, kéo dài nhưng chưa giải quyết dứt điểm, thậm chí, đôi lúc còn buông lơi, cào bằng. 28 năm sau giải phóng mới đầu tư cho ĐBSCL 1 trường đại học y dược, quả là quá chậm trễ.
Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Lê Nam Giới nêu lên một thực trạng: Khi triển khai các Nghị quyết của Trung ương về ĐBSCL và Cần Thơ, nhân dân nức lòng, nhưng đến giờ, nhìn đi nhìn lại vẫn… chưa thấy gì. Theo đồng chí, giáo dục ở ĐBSCL thua ĐB Sông Hồng hay miền Trung thì còn chấp nhận được, chứ thua Tây Nguyên và miền núi thì quả thật đau lòng. Ngay tại nội ô TP Cần Thơ, vẫn còn nhiều phòng học tạm bợ, sắp sập…
Bao giờ thì giáo dục ĐBSCL phát triển nhanh, mạnh và đáp ứng yêu cầu đặt ra? Mục tiêu đến năm 2010, phấn đấu bằng mức bình quân chung cả nước và đến 2015, bằng ĐB Sông Hồng, liệu có quá xa không?
TRẦN MINH TRƯỜNG
Phó Thủ tướng Thường trực NGUYỄN TẤN DŨNG: Giáo dục ĐBSCL cần một bước nhảy vọt Nếu như Tây Nguyên khoảng 1.000 dân có 35 học sinh phổ thông, thì ĐBSCL chỉ có 26 học sinh. Trong khi đó, Tây Nguyên có 1,3 triệu đồng bào thiểu số trên 5 triệu dân, ĐBSCL trên 17 triệu dân cũng có 1,3 triệu đồng bào Khmer. Từ đó, nói đến điều kiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị có Nghị quyết về phát triển ĐBSCL và Nghị quyết riêng về phát triển TP. Cần Thơ. Chính phủ còn có chương trình hành động, kế hoạch riêng phát huy tối đa lợi thế của ĐBSCL, đẩy nhanh tốc độ phát triển trong 5 năm tới. ĐBSCL có 7 trường đại học, nhưng vẫn không đủ chỗ. Cần phải nhìn nhận hệ thống trường học và trường dạy nghề hiện nay có những trường chất lượng rất kém. Có những trung tâm giáo dục từ xa, dạy nghề… thậm chí hiện nay ở huyện có Trung tâm dạy nghề. Nhưng các trường dạy nghề này rất què quặt. Thiết bị không có bao nhiêu; dạy nghề nhưng phải dạy bằng lý thuyết!? CAO PHONG ghi |