Sau một năm đón toàn tin xấu, ngành công nghiệp báo chí (Mỹ) cuối cùng đã có vài tin tốt lành. Tờ Economist đã mở đầu bài viết về sự khởi sắc của làng báo Mỹ trong thời gian qua như thế. Năm 2006, cũng chính tờ báo này đã thực hiện khảo sát hỏi ý kiến độc giả điều gì đang “giết chết” báo giấy và rất nhiều người cho rằng vấn đề cốt yếu nằm ở chính nội tại của các tờ báo.
Năm ngoái chứng kiến sự tụt giảm thê thảm của làng báo Mỹ, doanh thu chỉ đạt 34 tỷ USD-bằng một nửa so với năm 2000. Tuy nhiên, trong năm nay, mọi thứ đã trở nên tươi sáng hơn dù nước Mỹ vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Doanh thu quảng cáo ở các báo vẫn sụt giảm nhưng doanh thu từ số lượng phát hành đã bắt đầu ổn định. Tại một số tờ báo như New York Times, doanh thu từ báo in được dự báo sẽ bù đắp được sự sụt giảm trong hoạt động quảng cáo. Đây là lần đầu tiên tờ báo này có thể làm được như vậy trong 5 năm trở lại đây. Sự khởi sắc cũng xuất hiện trên sàn giao dịch chứng khoán. Trong 6 tháng gần đây, cổ phiếu của New York Times đã tăng 37%. Hồi tháng 5 vừa qua, Berkshire Hathaway, tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú Warren Buffett cũng đã mua lại một tờ báo địa phương từ Media General. Dư luận cho rằng đây là dấu hiệu của những ngày khởi sắc hơn ở phía trước.
Sự khởi sắc này đến từ đâu? Ông Ken Doctor, chuyên gia tư vấn của Outsell lý giải đó là nhờ những “cuộc cách mạng” của làng báo Mỹ. Các báo đã nâng mức phí mua báo dài hạn để giảm lỗ. Báo Mỹ cũng bắt đầu nói không với sự miễn phí khi sử dụng “Paywalls”- phương pháp thu phí độc giả đối với các bản tin trực tuyến. Đây là xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu khi làng báo thế giới đều đã chán ngán với việc cho độc giả xem miễn phí báo trên mạng Internet. Sự ra đời của Press+ - công cụ hỗ trợ trả tiền trực tuyến đã góp phần giúp báo Mỹ trở nên dễ dàng hơn trong việc thu phí độc giả. Đã có gần 566 tờ báo (hầu hết là ở Mỹ) hợp tác với Press+, 400 trong số đó đã vận hành hệ thống này. Sự phát triển ồ ạt của máy tính bảng và các thiết bị thông minh khác góp phần tạo doanh thu cho báo Mỹ. Nhiều tờ báo đã bắt đầu cung cấp các gói cước đọc trên các thiết bị thông minh có tính phí.
Bên cạnh những giải pháp như thu phí đọc báo trực tuyến hay tăng giá báo in, báo Mỹ cũng tăng cường săn lùng những thông tin “độc”, có nội dung hay, phù hợp với tiêu chí và mang phong cách đặc trưng để thu hút độc giả. Họ quan niệm rằng điều quan trọng nhất vẫn là nội dung của tờ báo phải đáng giá để độc giả sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Độc giả có thể vẫn trung thành với báo in nếu tờ báo phục vụ đắc lực cho nhu cầu tìm kiếm thông tin của họ, cho dù có sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử và truyền hình. Gordon Borrell, chuyên gia tư vấn của Borrell Associates, đã ví tình trạng hiện nay của các tờ báo với tình trạng của đài phát thanh trong những năm 1950. Khi tivi trở nên phổ biến, rất nhiều công ty quảng cáo cũng đã rời bỏ đài phát thanh, giống như họ rời bỏ báo in khi Internet bùng nổ. Tuy nhiên, chỉ sau một vài năm, họ đã quay trở lại và doanh thu có thể ổn định mặc dù ở mức thấp hơn.
THANH HẰNG