Bảo vệ người giúp việc nhà

Ở nước ta, có những trường hợp người giúp việc nhà bị đối xử tệ, thậm chí bị hành hạ về cả tinh thần lẫn thể xác. Vậy pháp luật lao động Việt Nam có những quy định gì để bảo vệ họ?
Công việc mỗi ngày của người giúp việc nhà là dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt và ủi đồ, trông nom con của chủ. Ảnh minh họa
Công việc mỗi ngày của người giúp việc nhà là dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt và ủi đồ, trông nom con của chủ. Ảnh minh họa
Điều 179 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012 quy định: Người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình, bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 27/2014 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình) và khoản 2, Điều 3 Thông tư 19/2014 của Bộ LĐTB-XH, người giúp việc gia đình có thể là người dưới 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên. Khi sử dụng lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, phải có văn bản đồng ý của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi hoặc người giám hộ hợp pháp (gọi chung là người đại diện theo pháp luật của người lao động). Không được sử dụng trẻ em dưới 15 tuổi để làm người giúp việc gia đình.
Nhiều người vẫn quan niệm rằng người giúp việc gia đình là “tôi tớ” và chủ được toàn quyền sai bảo, la mắng, xúc phạm... Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn trái với quy định pháp luật. Cần phải khẳng định rằng người giúp việc gia đình là người lao động, người thuê họ là người sử dụng lao động, cả hai chủ thể này có vị trí ngang hàng nhau trong quan hệ lao động như bất cứ nghề nào khác. Điều 180 BLLĐ quy định người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình (Khoản 1) và nội dung hợp đồng phải ghi rõ về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hàng ngày, chỗ ở (Khoản 3).
Khoản 1 Điều 6 Nghị định 27/2014 còn quy định: Trước khi ký kết hợp đồng, người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin cần thiết cho người lao động, gồm điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, tiền lương, điều kiện ăn ở của người lao động, đặc điểm của các thành viên, sinh hoạt của hộ gia đình hoặc các hộ gia đình... Điều 183 BLLĐ nghiêm cấm người sử dụng lao động có những hành vi: ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình; giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động; giữ giấy tờ tùy thân của người lao động. 
Theo quy định tại khoản 4, Điều 5 Nghị định 27/2014, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, dù bên nào đơn phương chấm dứt cũng phải báo với bên còn lại 15 ngày trước khi chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng rơi vào khoản 2, khoản 3 của các Điều 11, 12 Nghị định 24, chẳng hạn như người giúp việc không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc theo hợp đồng lao động, bị ngược đãi, xúc phạm danh dự, hay người sử dụng lao động phát hiện người giúp việc có hành vi trộm cắp…, chỉ cần báo trước ít nhất 3 ngày. Đặc biệt, trong trường hợp người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục, xúc phạm danh dự..., người lao động được quyền chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước.

Tin cùng chuyên mục