Bảo vệ “Thế giới ảo”

Nhiều người vẫn gọi nôm na Internet là “Thế giới ảo” mặc dù ở đó có vô vàn điều rất thật. Trải qua 13 năm kể từ khi cánh cửa Internet được mở ra ở Việt Nam, Internet đã mang lại nhiều giá trị ấn tượng, nhưng nó cũng đang trở thành một nơi rất nguy hiểm. Người dùng Internet ngày càng tăng, dịch vụ web càng nhiều thì tội phạm mạng càng có “đất” để tung hoành với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chuyện tấn công các hệ thống thông tin điện tử, phát tán virus, tung lên mạng các thông tin xấu, video clip bậy bạ, cùng những hình thức lừa đảo qua mạng, đang xảy ra nhiều hơn cơm bữa, gây nên những tác hại khôn lường. “Thế giới ảo” mà nguy hiểm thật!

Trên lý thuyết, bằng công nghệ, việc truy tìm các tội phạm mạng là khả dĩ, nhưng trong triển khai thực hiện lại là điều khó. Thứ nhất, do nhiều máy chủ mà các tội phạm mạng dùng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật được đặt ở nước ngoài, luật pháp chúng ta không thể “rờ” tới được. Thứ nhì, ngay cả khi xác định được danh tính người đang nắm giữ các máy chủ đó thì việc chứng minh mối liên hệ giữa kẻ thực hiện hành vi vi phạm và những người quản trị server đó là chuyện khó khăn.

Lâu nay, không có một tổ chức quốc tế nào quản lý, điều hành, giám sát Internet trên toàn thế giới. Việc kiểm soát Internet là vấn đề của chính quyền mỗi quốc gia, dựa trên các luật lệ, quy định. Các phương thức kiểm soát mạng cũng phát triển mạnh. Từ dạng thức đơn giản là đưa các trang web xấu vào “danh sách đen”, rồi ngăn luôn việc truy cập vào đó, người ta đã dùng những biện pháp tinh vi hơn, uyển chuyển hơn, đặc biệt là sử dụng các công nghệ đỉnh cao.

Ở Việt Nam, những năm qua, các chuyên gia an ninh mạng đã có nhiều thực tiễn, công nghệ và quy trình áp dụng để giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh mạng. Nhưng theo nhận xét của các chuyên gia an ninh mạng, hiện hàng rào pháp lý ngăn chặn để bọn tội phạm mạng còn thưa, chế tài răn đe tội phạm chưa đủ “đô”, và đặc biệt là phần lớn các cá nhân, cơ quan, tổ chức còn thiếu cảnh giác về các nguy cơ bị tấn công mạng và thụ động trong việc thiết lập hệ thống phòng vệ mạng, đặc biệt là yếu tố con người. Vì vậy, bọn tội phạm mạng đã lợi dụng những khe hở này để làm điều xấu. Ví dụ gần đây nhất là chúng ngang nhiên tấn công đánh sập hệ thống mạng báo VietNamnet 3 lần chỉ trong vòng một tháng.

Trước vấn đề an ninh mạng đang thực sự nóng bỏng, các chuyên gia an ninh mạng đã đưa ra yêu cầu: tăng cường giám sát những hoạt động liên quan đến Internet; tăng cường quản lý các trang thông tin điện tử, quản lý chặt trò chơi trực tuyến; bổ sung những quy định pháp luật mới; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; đào tạo chuyên gia an ninh mạng giỏi; xây dựng chiến lược quốc gia về định chuẩn chính sách an ninh an toàn theo tiêu chuẩn ISO… Tuy nhiên, bảo vệ “Thế giới ảo” không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, của các chuyên gia công nghệ mà là ý thức, là trách nhiệm của cả cộng đồng “cư dân mạng”.

KHẮC VĂN

Tin cùng chuyên mục