Bảo vệ trẻ khỏi tiêu cực trên mạng

Với sự phát triển của internet, cùng với mạng xã hội, trẻ em đã trở thành công dân số từ rất sớm. Việt Nam hiện có khoảng 68 triệu người dùng internet, trong đó hơn 1/3 ở độ tuổi 15-24. Mỗi ngày, có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên internet, với nội dung hầu hết là bạo lực, xâm hại tình dục. 

Kết quả khảo sát đưa ra mới đây tại hội thảo “Phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng” do đoàn giám sát của Quốc hội công bố cho thấy, cứ 4 trẻ được khảo sát, có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Các mạng xã hội hiện nay tràn ngập clip của những đối tượng bất hảo mà xã hội đã lên án; các kênh Youtube tự dựng, phỏng vấn với những hình ảnh nội dung dung tục, phát hành tràn lan, vô tội vạ với hàng triệu lượt người xem, trong đó có trẻ em. Thực tế, không ít em học và làm theo những clip này. 

Các hành vi bị nghiêm cấm ở đời sống thực thì trên không gian mạng lại ngang nhiên hoành hành, thách thức hành lang pháp lý an ninh mạng. Nhiều trẻ em vì quá đam mê mạng mà dẫn tới bỏ học, nghiện game, thay đổi tâm sinh lý. Tệ hại hơn là đã có em bị trầm cảm, bị dụ dỗ, bị quấy rối tình dục, tham gia cờ bạc trực tuyến, bị lôi cuốn vào các trò chơi bạo lực. Cá biệt có em tự tử hoặc vi phạm pháp luật… Nhiều chuyên gia cho rằng, các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có tác động mạnh hơn đến trẻ so với hành vi xâm hại trong đời thực.

Dù Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018 đã có những quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nhưng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ xâm hại. Trong khi đó, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu và chưa đồng bộ. Vai trò bảo vệ, xử lý, can thiệp của các cơ quan quản lý về truyền thông; cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng, của gia đình trên môi trường mạng chưa cao. Các chuyên gia đã từng chỉ ra một thực tế, khi sự việc xấu xảy ra, các cơ quan truyền thông đưa thông tin với mục đích ban đầu là phản ánh sự việc để kêu gọi sự quan tâm, sự lên tiếng của cơ quan có trách nhiệm, song đôi khi, chính báo chí lại tập trung thu hút sự chú ý của dư luận mà quên đi trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong cách đưa tin, hình ảnh, vô tình làm tổn thương thêm các em. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng chưa chủ động ngăn chặn, cảnh báo mà tiếp tục để phát tán trên môi trường mạng hay dịch vụ của mình nội dung không hay đó… 

Trẻ em thích công nghệ và thích khám phá những điều mới mẻ từ công nghệ. Song, các em cũng quá non nớt trước thủ đoạn của những kẻ xấu trên mạng. Trao cho trẻ một chiếc điện thoại thông minh nhưng không hướng dẫn trẻ cách thức sử dụng mạng an toàn thì nguy hiểm đến với trẻ là rất lớn, thậm chí ngồi ở trong nhà với cha mẹ và người thân, trẻ vẫn có nguy cơ bị xâm hại. Do đó, chúng ta cần có đủ hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ đối với hoạt động cung cấp dịch vụ internet xuyên biên giới, hoạt động quảng cáo, hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng; có giải pháp ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu độc trên mạng có thể dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại; có chế tài kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan liên quan cần có chương trình giúp trẻ em có những kỹ năng sử dụng internet an toàn và hiệu quả, giúp các em nhận biết về nội dung không phù hợp. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tận dụng có hiệu quả mạng xã hội, nơi tập trung sự quan tâm thường xuyên của giới trẻ, để phổ biến những nội dung thiết thực, kỹ năng cụ thể về phòng chống xâm hại trẻ em. Và, quan trọng không kém, là mỗi gia đình, bậc làm cha làm mẹ, phải là “pháo đài” vững chắc và thông thái để bảo vệ con em mình khỏi những tác động tiêu cực từ mạng.

Tin cùng chuyên mục