Bất an lưới điện trong khu dân cư

Những năm gần đây, ngành điện lực TPHCM đã nỗ lực hạ ngầm lưới điện, nhiều khu vực ở trung tâm đã thông thoáng hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, rất nhiều tuyến đường và hẻm ở các quận vẫn còn tình trạng dây điện giăng chằng chịt, không an toàn phòng cháy.
 “Mạng nhện” điện vây chợ vải Soái Kình Lâm
“Mạng nhện” điện vây chợ vải Soái Kình Lâm
Hiểm họa cháy nổ 

Đi một vòng TPHCM sẽ dễ thấy cảnh dây điện giăng lung tung, rối rắm tại các khu dân cư cũ. Con đường Tống Duy Tân phía sau chợ Đại Quang Minh (phường 14, quận 5) là nơi buôn bán các phụ kiện may mặc. Đường nhỏ, hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, lối đi rất hẹp, tối thui, sâu hút, nhưng lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Đứng trong hẻm nhìn lên là những đường dây điện cũ kỹ, lùng nhùng, chồng chéo nhau, câu từ nơi này bắt vào nơi kia một cách rất mất trật tự. Thấy chúng tôi hỏi về mớ dây điện chằng chịt phía trên, anh Quách Bình Đằng (ngụ đường Tống Duy Tân) cho biết: “Chợ này chủ yếu bán phụ kiện may mặc, hàng hóa đều rất dễ cháy, chúng tôi lo lắm. Đường dây điện có từ lâu rồi, nhà nào cần là câu về, nên bây giờ bảo dẹp cũng không biết dẹp thế nào. Thôi thì trông vào may rủi vậy”.

Cách đó không xa, cũng trên địa bàn quận 5 có chợ vải Soái Kình Lâm (hay còn gọi là Thương xá Đồng Khánh). Đây là khu chợ bán vải lớn nhất TPHCM nằm trong các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Đỗ Ngọc Thạch (phường 14, quận 5). Ở khu này, phía dưới là hàng trăm gian hàng bán vải nhưng ngay bên trên là những bó dây điện đan vào nhau như giăng lưới. Hướng về quận 6, trên đường Phan Văn Khỏe chuyên bán đồ nhựa cũng thấy cảnh ổ điện, dây điện sà cả vào những đống ly chén nhựa chất đầy nhà. Cư xá Lý Thường Kiệt (phường 7, quận 10) cũng là một điển hình về chuyện dây điện lung tung, mất an toàn. Xung quanh mặt ngoài của cư xá và trong khuôn viên chằng chịt dây điện, dây cáp được câu từ cột điện vào các căn hộ. Dây điện bắt vào bạt che nắng, vắt vào cây phơi đồ hay cài tạm vào tấm rèm ngoài ban công, rối như tơ vò. 

Dù nằm ngoài mặt tiền nhưng dãy nhà 46-46Y Thuận Kiều (phường 4, quận 11) khá lụp xụp. Các căn nhà có diện tích rất nhỏ, phía trên là những căn phòng được cơi nới bằng gỗ, bạt nhựa, trong khi đó đường dây điện lại chạy sát các tấm bạt. Nhà bà Phạm Thị Út đấu lưng vào dãy nhà này, nên bà lo lắng: “Gần đây xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, nghe đâu toàn cháy do chập điện nên tôi lo quá! Mấy nhà dãy sau cơi nới thế kia, đường điện cũng tạm bợ, lỡ có bề gì thì cái xóm này hứng đủ”. 

Nhiều vụ cháy do điện

Thực tế tại nhiều khu dân cư cũ, nhà cửa xập xệ được cơi nới bằng vật liệu dễ cháy, mật độ dân cư đông, đường, hẻm nhỏ, nên hệ thống dây điện bừa bộn càng đáng lo. Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) TPHCM, trong 9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 775 vụ cháy, thiêu rụi khoảng 36.066m2 diện tích nhà xưởng, nhà dân và đồng cỏ, làm hàng chục người chết và bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 59,7 tỷ đồng. Tại hội nghị về công tác PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh ở TPHCM,  đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, nhận định nguyên nhân dẫn tới các vụ cháy nổ trong khu dân cư hiện nay là do hệ thống lưới điện ở TP chằng chịt, xuống cấp, chiếm 70% các vụ cháy nổ. Các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong các khu dân cư tự ý câu móc điện không khoa học. Trong khi đó, dây điện phơi ngoài nắng, mưa nên dễ bị mục nát, hư hỏng, lại được kéo sát các vật liệu dễ cháy như vải bạt. Ngoài ra còn tình trạng nhiều gia đình sử dụng chung một đồng hồ điện, dễ dẫn đến tình trạng quá tải, hoặc không cẩn thận khi sử dụng các thiết bị đồ điện thiếu an toàn. 

Để hạn chế cháy nổ, TPHCM đang đẩy mạnh phong trào Toàn dân PCCC. Cảnh sát PCCC TPHCM đã tổ chức 377 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn cứu hộ cho đội viên của các đội PCCC cơ sở; hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và thực tập phương án nhằm giúp lực lượng PCCC tại chỗ nâng cao kỹ năng xử lý hiệu quả khi xảy ra sự cố cháy nổ. Song song đó, Cảnh sát PCCC cũng tăng cường kiểm tra an toàn PCCC trên địa bàn. Qua kiểm tra 66.850 lượt đã phát hiện 8.376 lượt vi phạm quy định về an toàn PCCC với 9.301 lỗi vi phạm, lập biên bản và phạt hành chính với số tiền 6,7 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, người dân là đối tượng trực tiếp sử dụng điện ở địa bàn dân cư, vì vậy rất cần đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền cách sử dụng điện an toàn đến từng hộ dân. Điều đáng lo ngại là hiện trên địa bàn TPHCM chỉ mới có 6.100 trụ nước chữa cháy, 802 bến, điểm lấy nước, 1.324 bể nước chữa cháy trên 50m³, như vậy là rất thiếu so với nhu cầu, cần phải bổ sung 17.000 trụ nước chữa cháy.

Tin cùng chuyên mục