Sáng 12-5, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 các trung tâm thuộc đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo đề án; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Điều hành đề án; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Điều hành đề án…
Đô thị thông minh phải hiện thực với người dân
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh là chương trình đột phá bổ sung của TPHCM. Biểu dương sự tập trung thực hiện của UBND TP cùng các đơn vị liên quan trong hơn 1 năm qua, đồng chí lưu ý UBND TP cần nghiên cứu mô hình quản lý các cấu phần (là đơn vị trực thuộc Sở TT-TT, UBND TP hay đơn vị sự nghiệp có thu) phù hợp.
Đồng chí đánh giá cao một số kết quả đạt được, trong đó có một số dịch vụ đã được cung cấp cho người dân; đồng thời kết nối được 1.000 camera và tiếp tục chuẩn hóa, kết nối hệ thống camera của toàn TP.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP sớm cung cấp các địa chỉ của các trung tâm và các sở ngành cũng cung cấp dữ liệu để người dân có thể khai thác ngay.
“Đến ngày 23-11 (tròn 2 năm UBND TP ký đề án - PV), đô thị thông minh phải hiện thực với người dân TP”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ và yêu cầu, lãnh đạo các quận huyện cũng phải tổ chức khai thác, phổ biến lại cho người dân trên địa bàn.
Đồng thời, UBND TP phải rà soát, đưa vào danh mục các dữ liệu phải cập nhập như cập nhập kết luận toàn bộ của thanh tra TP và hoàn thành trước tháng 11-2019.
Song song đó là việc công bố danh mục các dự án đang hoạt động tư trên địa bàn TPHCM; công bố quy trình thời hạn giải quyết các loại hồ sơ trình lên UBND TP; cơ sở dữ liệu các trường học từ đại học đến mầm non; cơ sở dữ liệu về các cơ sở y tế; về địa chỉ địa chính; cơ sở dữ liệu về dịch vụ của TP (như khách sạn, dịch vụ y tế, giáo dục…).
Đặc biệt là việc công bố công khai “chuẩn camera” đồng bộ; xác định những vị trí nhạy cảm, lên lộ trình gắn bổ sung camera có chức năng nhận diện khuôn mặt để cần là theo dõi, giám sát được ngay. Cạnh đó là phương án tích hợp camera các cơ quan chuyên ngành, hướng đến TP an toàn.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng giao nhiệm vụ sớm vận hành trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế và trong tháng 10-2019 phải trình cho TP về dự báo tình hình phát triển kinh tế của TPHCM trong khóa này và khóa tới. Các sở chuyên ngành cũng phải dự báo, về các kịch bản, khả năng gia tăng/kéo giảm ùn tắc giao thông; dự báo về phát triển dân số; đẩy mạnh thực hiện mô phỏng dự báo về tình trạng ngập úng của TP…
“Đây là đô thị thông minh vì bản chất của đô thị thông minh là quản lý trên cơ sở dự báo khoa học, chứ không quản lý theo kiểu "ăn xổi" hàng ngày, hàng tháng hoặc hàng năm”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Chưa hợp tác chia sẻ dữ liệu
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, xây dựng TP trở thành đô thị thông minh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do đó, TP sẽ tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đề án đúng tiến độ đề ra.
Qua hơn 1 năm triển khai, TPHCM đã đạt được một số kết quả. Song, trên tổng thể công việc vẫn còn khá nhiều, thậm chí còn khó khăn hơn do đây là vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Ngoài ra, có một số nội dung triển khai chậm, sản phẩm chưa rõ ràng, chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu, khảo sát nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của đề án.
Đặc biệt, với tư cách là Trưởng ban Điều hành đề án, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự không hài lòng đối với một số cơ quan, đơn vị vẫn còn duy trì tình trạng “cát cứ dữ liệu”.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng cam kết sẽ tăng tốc thực hiện đề án, phát huy tiềm lực sáng tạo của người dân TP để huy động mọi nguồn lực thực hiện đề án, xây dựng đô thị thông minh gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thể hiện sự đặc sắc của TP so với các đô thị thông minh trên thế giới. Cụ thể, từng đơn vị phải ký cam kết thời gian hoàn thành và phân công cụ thể người thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án.
Trong đó tập trung vào việc tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu người dân, doanh nghiệp, nền địa hình, địa chính; triển khai bản đồ số dùng chung; mở rộng, hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung và cổng dữ liệu mở. Cùng đó là việc hoàn thiện Trung tâm điều hành đô thị thông minh, bổ sung các cấu phần của trung tâm, như: Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, cứu nạn cứu hộ của TP thông qua một đầu số viễn thông duy nhất; cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp…
Đồng thời, TP khẩn trương thành lập Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP; triển khai đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin; tiếp tục triển khai kiến trúc chính quyền điện tử TP, hướng tới xây dựng chính quyền số để quản lý và điều hành đô thị thông minh... nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Sự ủng hộ của người dân là yếu tố quan trọng để triển khai đề án được hiệu quả. Do đó, Sở TT-TT phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa của đề án và tham gia đề xuất các giải pháp, sáng kiến xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao nhiệm vụ.
Camera phủ khắp TPHCM Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án, TPHCM đã đạt được một số kết quả. Theo đó, Kho dữ liệu dùng chung của TPHCM (giai đoạn 1) đã hoạt động (tại Công viên phần mềm Quang Trung) trên cơ sở tích hợp các dữ liệu của Sở KH-ĐT, Cục Thuế TP, Sở Y tế, Sở TN-MT, Sở LĐ-TBXH… Từ đó, đã thực hiện trích xuất, khai thác kho dữ liệu này phục vụ cho công tác điều hành của lãnh đạo TPHCM, thông qua một số ứng dụng cụ thể. TP cũng triển khai thử nghiệm Cổng thông tin dữ liệu mở (tại địa chỉ data.hochiminhcity.gov.vn), trước mắt cùng cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y. Về xây dựng trung tâm điều hành chỉ huy của đô thị thông minh, TP đã thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở GTVT, UBND các quận (1, 12, Phú Nhuận và Gò Vấp), với 1.000 camera. Các lớp camera tầm cao, tầm trung, tầng thấp giúp theo dõi trên toàn địa bàn TP. Ngoài ra, các camera phân tích nâng cao dữ liệu khi có ùn tắc giao thông, sự cố giao thông hay phát hiện đám đông gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, nhiều camera còn có chức năng nhận dạng khuôn mặt và sẽ thông báo về trung tâm khi phát hiện một số đối tượng đang được theo dõi. Sắp tới, TP tiếp tục xây dựng hệ thống camera giám sát tập trung; nâng cấp các giải pháp phần mềm quản lý và ứng dụng trên điện thoại cho trung tâm điều hành (bổ sung tính năng phân tích biển số xe, ùn tắc giao thông, bổ sung các mức độ cảnh báo khác nhau cho các tình huống cụ thể). Về Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế, hiện đã hoàn thành tài liệu tổng hợp về phương pháp luận; từ đó xây dựng cơ sở khoa học và thực nghiệm cho hoạt động nghiên cứu, tham mưu về dự báo kinh tế xã hội. Cùng đó là việc thiết kế phiên bản thử nghiệm trình diễn dự liệu và mô hình của một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu… Dự kiến, trung tâm này sẽ chính thức vận hành (giai đoạn 1) vào đầu tháng 6-2019. Ông Dương Anh Đức cũng thông tin, UBND TP đã phê duyệt đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP. Công ty này có phần vốn góp của Nhà nước chiếm từ 51% vốn điều lệ, với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin. |