Bia 333 - Chứng nhân lịch sử của bao thế hệ người Việt Nam
Năm 1875, ông Victor Larue - một kỹ sư Công nghiệp và sĩ quan hàng hải giải ngũ đã lập ra một xưởng bia nhỏ trên mảnh đất Sài Gòn non trẻ. Mục đích ban đầu của xưởng này là để sản xuất nước đá. Dần dà, xưởng bia phát triển và trở thành một trong số các nhà máy lớn nhất tại vùng đất Nam kỳ. Từ đó, tên gọi “nhà máy Bia Chợ Lớn” trở nên quen thuộc đối với đông đảo người tiêu dùng.
Thuở đó, Nhà máy Bia Chợ Lớn có hai sản phẩm được giới sành bia ưa chuộng, một là bia La De thường với dung tích 660ml hay còn gọi là La De Con Cọp vì có hình ảnh con cọp trên bao bì; hai là Bia 33, thường được gọi là Bia Băm Ba bởi có dung tích 330ml. Trong hai sản phẩm, bia 33 được ưa chuộng hơn bởi hương nồng nàn và vị dày dặn đặc trưng.
Sau khi đất nước thống nhất, ngành công nghiệp sản xuất bia bắt đầu chững lại do những khó khăn về chính sách kinh tế. Ngày 1 tháng 6 năm 1977, nhà nước mua lại Nhà máy Bia Chợ Lớn và đổi tên thành Nhà máy Bia Sài Gòn.
Thừa hưởng những di sản lâu đời có từ năm 1875, đến tháng 10 năm 1985, Nhà máy Bia Sài Gòn chính thức ra mắt sản phẩm Bia 333, nhãn hiệu bia lon đầu tiên tại thị trường nội địa. Được xem là kế thừa tinh hoa của loại bia 33, Bia 333 lập tức chứng tỏ thế mạnh và chất lượng của thương hiệu. Nếu như trước 1975, bia 33 được người dùng nhớ tới bởi sự tròn vị, đậm đà thì ở những năm sau này Bia 333 ghi dấu ấn trong lòng người yêu bia bởi sự tổng hòa của hương vị dày dặn cùng bao bì sang trọng. Thuở ấy, chỉ những người “có của ăn của để” mới có cơ hội thưởng thức Bia 333. Cũng trong năm ấy, nhà máy đã sản xuất được 760 tấn malt từ lúa mì và hoàn thành việc lắp đặt hệ thống chiết lon góp phần đưa sản lượng tiêu thụ bia đạt 56,58 triệu lít.
Cuối thập niên 80 đầu 90, nền kinh tế nước nhà dần khởi sắc, ngành công nghiệp sản xuất bia trở thành mảnh đất màu mỡ, sự cạnh tranh có phần khốc liệt khi nhiều tên tuổi ngoại bắt đầu gia nhập thị trường trong nước. Để không đánh mất ngôi vương, Nhà máy Bia Sài Gòn tiếp tục đầu tư mạnh vào chất lượng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất, rà soát bố trí sắp xếp lại lao động, đầu tư mới và thay thế một số máy móc thiết bị đã quá cũ, dây chuyền chiết chai tự động được đầu tư với công suất 30.000 chai/giờ. Nhờ đó thương hiệu Bia 333 vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu ngành bia, góp phần tạo nên sự sôi động cho thị trường nước nhà.
Từ năm 1988 đến 1993 đánh dấu cột mốc đáng tự hào của Bia 333 khi những lon bia đầu tiên được xuất khẩu đi Nhật, Úc, Mỹ, châu Âu, Singapore và Hongkong. Cũng từ đó, danh tiếng của Bia 333 trên trường quốc tế được nâng cao, đồng thời cũng nhận được sự tán thưởng của người yêu bia trên khắp thế giới.
Có thể nói Bia 333 chính là một nhân vật đặc biệt, chứng kiến sự hình thành của ngành bia nói riêng và sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tới tận bây giờ, không khó để bắt gặp hình ảnh những lon Bia 333 song hành cùng người dân Việt Nam. Từ những cậu chàng thanh niên đôi mươi mặc quần ống loe, tóc chẻ hai mái tập tành uống bia ở thập niên 90 đến các bạn trẻ hiện đại hào hứng nâng Bia 333 tại những lễ hội âm nhạc quốc tế. Từ vỉa hè cho đến nhà hàng sang trọng, Bia 333 vẫn trường tồn, không ai có thể bỏ quên hương vị dày dặn, mượt mà và tinh tế của thương hiệu này.
Những chuyện chưa kể về một thương hiệu ai cũng biết
Phổ biến là vậy, song Bia 333 vẫn có nhiều câu chuyện thú vị mà không phải ai cũng biết. Ít nhất một lần, những người trót say mê hương vị sâu đậm của loại bia này cũng từng thắc mắc con số “3” tượng trưng cho điều gì. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng chưa chắc đã có ai có thể lý giải tường tận.
Ngoài mang ý nghĩa “tam tài” tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, tên gọi “Bia 333” còn đại diện cho cả một câu chuyện dài về nguồn gốc tạo nên chất lượng thương hiệu. Bia 333 chính là kết tinh từ tinh hoa của ba đất nước - Đức, Pháp và Việt Nam. Nguyên liệu chính của Bia 333 chính là hoa bia houblon có nguồn gốc từ vùng Hallertau của Đức - một trong những nơi canh tác hoa bia lớn và nổi tiếng nhất thế giới. Vị “đắng đầu ngọt sau” đặc trưng của Bia 333 chính là từ loại hoa bia này.
Nguyên liệu của Đức, nhưng Bia 333 lại áp dụng công thức trăm năm của Pháp - những người đầu tiên mang ngành công nghiệp sản xuất bia vào Việt Nam. Và cuối cùng, nghệ nhân nấu lên bia tuyệt hảo say đắm lòng người lại chẳng đâu xa xôi mà chính là những người con đất Việt. Chính ba yếu tố này gộp lại với nhau, tạo nên hương vị Bia 333 thơm ngon không thương hiệu nào có được. Đó cũng là nguồn cảm hứng tạo nên tên gọi của thương hiệu lâu đời này, câu chuyện không phải ai cũng biết.
Ngoài tên gọi, nhiều người còn lầm tưởng Bia 333 là một thương hiệu bình dân, do độ phổ biến của sản phẩm. Song, ít ai biết rằng Bia 333 đã được coi là dòng bia cao cấp ngay từ những ngày đầu mới ra mắt. Trong những năm 80, chỉ những người giàu có mới có cơ hội được thưởng thức hương vị bia độc đáo này. Ngày ấy người ta còn kháo nhau có tiền mua Bia 333 mà uống ắt hẳn là người sành sang lắm. Mãi tới sau này, khi nhu cầu tiêu dùng và sự yêu thích của người Việt vào một thương hiệu lâu đời, Bia 333 trở thành người bạn đồng hành cùng đại đa số người dân trong các cuộc vui và được chọn như một món quà trân quý để biếu tặng vào mỗi dịp lễ lạt. Cứ thế, Bia 333 không chỉ là một sản phẩm tiêu dùng, mà nó còn là nhân chứng chứng kiến sự đổi thay của bao thế hệ Việt, biểu trưng rõ nét cho nếp sống ăn uống của cả đất nước.
Trong những năm gần đây, xã hội ngày một tiến bộ, Bia 333 vẫn không “lỗi thời”, vẫn đồng hành và không ngừng đổi mới để phát triển thương hiệu. Những hé lộ về sự trở lại với nhiều cải tiến tích cực gần đây của Bia 333 hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ thú vị cho người tiêu dùng, tiếp tục duy trì vị thế như một lựa chọn đúng đắn cho những người có gu, biết thưởng thức.