
Theo kế hoạch, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào ngày 24-6 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Hiện xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến tranh luận, nhất là về thời gian, thời hạn lấy phiếu tín nhiệm và các mức tín nhiệm. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông ĐỖ MẠNH HÙNG (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN: Qua 2 phiên thảo luận cho thấy ý kiến của các ĐBQH đang rất khác so với tờ trình sửa đổi Nghị quyết 35/2012/QH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nhất là về vấn đề thời hạn lấy phiếu tín nhiệm và các mức tín nhiệm. Đa số ĐBQH đề xuất chỉ còn 2 mức là tín nhiệm, không tín nhiệm thay vì 3 “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” như hiện nay. Quan điểm của ông thế nào?
* Ông ĐỖ MẠNH HÙNG: Tôi cũng như đa số ĐBQH đề nghị nếu sửa Nghị quyết 35 thì nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ và chỉ nên có 2 mức tín nhiệm. Điều 2 của dự thảo Nghị quyết sửa đổi giải thích từ ngữ lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Nhưng hệ quả pháp lý của nó là để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ. Tức là chúng ta chỉ đặt mục tiêu ở mức độ vậy thôi. Cho nên, mục tiêu đã vậy thì nội dung và hình thức lấy phiếu tín nhiệm phải bám sát mục tiêu. Nếu coi đây là quy trình để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ thì thiết kế phiếu cũng phải theo hướng đó. Còn theo 3 mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” như Nghị quyết 35 quy định hoặc dự thảo sửa đổi thì chưa sát với yêu cầu. Hơn nữa, qua thực tế vừa rồi thì thấy cử tri rất bức xúc cho rằng làm như vậy thì ít tác dụng, quá an toàn.
* Vậy theo ông nên sửa đổi theo hướng nào?
* Nếu theo hướng vẫn thể hiện mức độ tín nhiệm thì cũng nên quy định 2 mức thôi. Còn nếu muốn giữ 3 mức thì phải sát với yêu cầu là xem xét, đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ. Vì vậy tôi đề xuất 3 mức là tiếp tục công việc, chức trách được giao; điều động, bố trí công tác khác để phù hợp với năng lực; từ chức. Trong trường hợp nếu năng lực cán bộ hạn chế quá thì Quốc hội nên gợi ý để họ từ chức. Như thế vẫn nhẹ nhàng hơn bị miễn nhiệm, và cũng đã là một cảnh báo đối với cán bộ. Nếu giữ 3 mức như cũ thì không được, vì dân chê nhiều. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy, tín nhiệm thấp nhất thì vẫn quá bán.
* Thưa ông, vừa qua Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 9 cũng đã thảo luận và kết luận về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm?
* Vừa qua BCH Trung ương kết luận là tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm; về thời gian, thời hạn lấy phiếu tín nhiệm thì theo hướng lấy 1 lần/nhiệm kỳ. Trung ương kết luận chung cho tất cả các chức danh cán bộ, trong đó chủ yếu là các chức danh theo hệ thống cấp ủy quản lý. Còn đối với các chức danh khác thì Quốc hội vẫn là cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định, vì vậy Quốc hội tiếp tục thảo luận về thời hạn, thời gian lấy phiếu tín nhiệm. Còn về mức tín nhiệm tôi nghĩ chắc cũng do thẩm quyền Quốc hội quyết định.
* Do còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, nhiều ĐBQH đề nghị phải có phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết 35 sửa đổi. Quan điểm của ông thế nào?
* Nên lấy phiếu thăm dò ĐBQH, vì còn nhiều ý kiến khác nhau quá. UBTVQH nên xem xét, lựa chọn những vấn đề ĐBQH còn ý kiến khác nhau để tổ chức thăm dò ĐBQH. Các ĐBQH sẽ biểu quyết theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình và Quốc hội sẽ phải quyết định theo đa số.
* Xin cảm ơn ông!
LÂM NGUYÊN