Bình Định - Địa linh nhân kiệt là đây!

Bình Định - Địa linh nhân kiệt là đây!

Chỉ khoảng một giờ bay là từ TPHCM có thể đến được Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Hướng dẫn viên Vietravel gọi đất này là địa linh sinh nhân kiệt. Không ngoa chút nào!. “Đất võ” Tây Sơn ở đây, cách Quy Nhơn 55km. “Trời văn” ở đây, với nhóm Bàn thành tứ hữu (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn) thời tiền chiến. Những tháp Chăm đẹp nhất Việt Nam ở đây. Bãi biển hoang sơ. Hải sản tươi ngon và giá cực rẻ. Mỹ tửu Bàu Đá nồng như võ mà êm như thơ… Bình Định có thừa tài nguyên để làm du lịch.

Bãi Tiên Sa và mộ Hàn Mặc Tử tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn.

Bãi Tiên Sa và mộ Hàn Mặc Tử tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn.

Từ Ghềnh Ráng nhìn xuống, TP Quy Nhơn nương theo bờ biển lượn một vòng cung mềm như lụa. Hàn Mặc Tử đã mang theo đến đây tên Mộng Cầm để đặt cho con dốc dẫn lên mộ. Thế nhưng chính Hàn Mặc Tử cũng không ngờ, 33 năm qua, một người yêu thơ Hàn đã nguyện dành cả đời giữ mộ cho thi nhân. Nhiều người biết Dzũ Kha qua biệt danh Bút Lửa bởi anh dùng loại bút tương tự như các que hàn nung đỏ, đốt chữ trên gỗ để viết thơ Hàn Mặc Tử, bán cho khách du lịch đến Ghềnh Ráng muốn có một món quà lưu niệm không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Thế nhưng, không nhiều người biết rằng Dzũ Kha còn “bán” cả những thứ quý báu hơn tranh bút lửa rất nhiều: “bán chuyện”. 33 năm bên Ghềnh Ráng, anh nhớ rõ Mộng Cầm đã mấy lần đến viếng mộ Hàn; lần cuối Mai Đình đến đây là năm bao nhiêu; bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ trên thủ bút của Hàn Mặc Tử ghi là “Ở đây thôn Vĩ Dạ” kia mà. Đến mua tranh là cái cớ để mua cái duyên nói chuyện. Dzũ Kha đã biến thành nhân chứng sống suốt 33 năm ở chốn này, tự gắn mình vào vô vàn giai thoại về người nghệ sĩ yểu mệnh.

Từ mộ Hàn Mặc Tử đi thêm vài trăm mét là một trong những bãi biển nổi tiếng nhất ở đây: Bãi Tiên Sa. Không phải cát mà là đá cuội tròn nhẵn, đủ kích cỡ trải suốt bãi biển. Sau này, lại có chuyện kể rằng bãi biển đá cuội này dành riêng cho Hoàng hậu Nam Phương tắm, cái tên Bãi Hoàng Hậu ra đời từ đó.

Buổi chiều ở Ghềnh Ráng, giữa một nơi sơn thủy hữu tình đến nhường này, chợt nghĩ đến một câu ca dao trỏ rất đúng chất Bình Định: “Cầu đôi mà tháp cũng đôi / Dễ chi nhân nghĩa mà rời được sao”. Mang cái “nhân nghĩa” nói là làm ấy vào du lịch, Bình Định sẽ tạo được bản sắc du lịch đặc sắc của người vùng đất võ trời văn.

Năm 2012, Bình Định khánh thành Đàn tế trời dưới chân ngọn Ấn Sơn, tương truyền chính là nơi ba anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ tế cáo trời đất xin được tập hợp thiên hạ, xuất binh thống nhất đất nước. Truyền thuyết kể rằng, lễ tế diễn ra đến ngày thứ ba thì trời cảm lòng người, hiển linh ban cho ấn, trên có bốn chữ xã tắc sơn hà, phù hộ nghiệp lớn của Tây Sơn thành công rực rỡ. Đàn Tế trời được dựng nhân 220 năm ngày mất của Vua Quang Trung. Công trình không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn là điểm tham quan mới cho du khách đến Bình Định. Đứng tại công trình trời tròn, đất vuông bây giờ, nghe chuyện người xưa tế cáo trời đất, một lần nữa, du khách ắt cảm nhận được cách sống có thủy có chung của con người đất thượng võ. Nơi địa linh nhân kiệt ấy cách TPHCM chỉ một giờ bay.

Kết hợp với Vietnam Airlines mỗi ngày có hai chuyến bay từ TPHCM và một chuyến từ Hà Nội đi Quy Nhơn, Vietravel mở đường tour đặc biệt cho hè 2013 Quy Nhơn - Mùa biển gọi với giá cực sốc:

* Khởi hành từ TPHCM thứ 5 hàng tuần, 3 ngày:

Giá 3.990.000đ (tiêu chuẩn 3 sao)

Giá 4.190.000đ (tiêu chuẩn 4 sao)

* Khởi hành từ Hà Nội thứ 5 hàng tuần, 4 ngày:

Giá từ 5.410.000đ (tiêu chuẩn 3 sao)

Giá từ 5.710.000đ (tiêu chuẩn 4 sao)

Tường Vi

Tin cùng chuyên mục