Dấu ấn chương trình đột phá
Ngày 21-11-2016, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án TPTM với nội dung cốt lõi là tiếp thu và triển khai mô hình 3 nhà ở Bình Dương giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học, tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ; nâng cao tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo, đặc biệt là với giới trẻ; thúc đẩy chuỗi cung ứng, nhằm thúc đẩy tiềm năng của một số ngành công nghiệp hiện thời.
Trong xây dựng TPTM, Bình Dương đã gắn với xây dựng mạng lưới giao thông hiện đại, kết nối đến các tỉnh, thành trong vùng. Theo đó, tỉnh huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng giao thông, nhất là các công trình mang tính động lực, đảm bảo kết nối từ các trung tâm đô thị của tỉnh với thành phố mới Bình Dương; kết nối thành phố mới Bình Dương với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; gắn kết và khai thác tối đa lợi thế từ hệ thống kết cấu hạ tầng nhất là giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị mới, trung tâm hành chính tập trung của tỉnh, gắn với đầu tư nâng cấp, chỉnh trang TP Thủ Dầu Một và các đô thị vệ tinh như Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên… theo hướng văn minh, thân thiện với môi trường, sạch đẹp, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Vùng đổi mới sáng tạo là hạt nhân
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI đã xác định mục tiêu: “Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”.
Dựa trên nền tảng sẵn có về phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng các KCN truyền thống, Bình Dương đặt quyết tâm nâng dần chất lượng về phát triển, thu hút đầu tư gắn với sản xuất theo xu hướng khoa học - công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động. Cụ thể, tỉnh mở rộng không gian phát triển từ Đề án xây dựng TPTM Bình Dương lên vùng đổi mới sáng tạo, lấy TP Thủ Dầu Một làm trung tâm, qua đó hình thành hệ sinh thái giáo dục - đào tạo, trung tâm thương mại, khu đô thị chất lượng cao; phát triển hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, trung tâm logistics cho thương mại điện tử… Cùng với đó, hình thành KCN khoa học - công nghệ cao (được quy hoạch tại huyện Bàu Bàng) để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao tri thức, vừa đóng vai trò tiên phong cho ra đời các phương tiện sản xuất mới, ít thâm dụng lao động vừa phục vụ cho các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao; vừa tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học, xây dựng môi trường sống tốt cho chuyên gia, tăng năng suất lao động, tăng dần tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đồng chí Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết, với tiềm năng và thực lực hiện tại của tỉnh Bình Dương, đặc biệt những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện Đề án xây dựng TPTM thời gian qua, Bình Dương hoàn toàn có thể hướng tới và phấn đấu tiến thêm một bước, đó là xây dựng vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung đổi mới cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp để góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp.