Chi phí mua thuốc điều trị chiếm trên 50% tổng chi thường xuyên trong tổng số chi phí y tế tại các bệnh viện, với số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện lại có quá nhiều vấn đề bất cập, giá thuốc đầu thầu vào bệnh viện hỗn loạn, khiến người bệnh phải chịu thiệt hại... Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo phổ biến các quy định pháp luật về đấu thầu thuốc và quản lý giá thuốc diễn ra ngày 7-12 tại Hà Nội.
Cùng một loại thuốc, hàm lượng và chất lượng tương nhau nhưng giá thuốc khi vào bệnh viện mỗi nơi mỗi khác. Không chỉ có vậy, một chuyên gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn cho biết, nhiều khi chỉ là một hoạt chất thôi nhưng giá đấu thầu của loại thuốc có hoạt chất đó vào các bệnh viện cũng khác nhau một trời một vực, thậm chí giá trúng thầu vào bệnh viện còn cao hơn giá bán trên thị trường tự do.
Trong khi đó, hàng năm các bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung sử dụng một khoản kinh phí khổng lồ để đấu thầu mua thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh. Khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh cho thấy, chỉ riêng năm 2011, tổng số tiền mua thuốc trong bệnh viện lên tới gần 18.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là lâu nay, hoạt động đấu thuốc vào bệnh viện, cũng như công tác quản lý về lĩnh này lại có quá nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc khiến giá thuốc đấu thầu vào bệnh viện không chỉ hỗn loạn mà còn có không ít tiêu cực khiến người bệnh phải gánh chịu.
Hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí lựa chọn thuốc đưa vào gói thầu thuốc theo tên biệt dược dẫn đến một số trường hợp lạm dụng gói thầu biệt dược để mua các mặt hàng thuốc thông thường nhưng với giá của biệt dược. Hơn nữa, nhiều cơ sở đề xuất trúng thầu nhiều mặt hàng thuốc của cùng một hoạt chất với giá khác nhau do chưa có quy định rõ ràng về phân nhóm thuốc theo tiêu chí kỹ thuật.
Một số trường hợp lạm dụng trong mua thuốc ngoài kế hoạch khi mua các thuốc đặc trị có giá trị lớn như thuốc ung thư vì chưa quy định rõ các trường hợp mua thuốc ngoài kế hoạch đấu thầu và giá trị phù hợp.
Trước những bất cập trên, Bộ Y tế mới đây đã ban hành Thông tư số 01/2012 về Hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế và Bộ y tế có Thông tư số 11/2012/TT-BYT về việc Hướng dẫn lập Hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Hai thông tư này có nhiều quy định mới, chặt chẽ hơn nhằm bịt những “lỗ hổng” lâu nay trong hoạt động đấu thầu thuốc vào bệnh viện, hạn chế tối đa tình trạng mỗi nơi giá thuốc đấu thầu mỗi khác dù có thể cùng một tên thuốc, biệt dược.
Đáng chú ý, thông tư hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu thuốc vào cơ sở y tế quy định nhà thầu cung cấp nhiều mức giá khác nhau cho một loại thuốc thì thuốc đó sẽ bị loại khỏi danh sách thuốc tham gia đấu thầu.
Cùng với đó, giá đề nghị trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá trong kế hoạch đấu thầu đã được người có thẩm quyền phê duyệt và không được cao hơn giá bán buôn kê khai hoặc kê khai lại đang còn hiệu lực do các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.
Ở một diễn biến khác, Bộ Y tế đang phối hợp các bộ, ngành xây dựng thông tư hướng dẫn thí điểm quản lý giá thuốc do Ngân sách nhà nước và BHYT chi trả theo phương thức quy định thặng số bán buôn tối đa toàn chặng. Từng bước thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung, dần tiến tới đấu thầu thuốc quốc gia. Bộ kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng một nghị định về đấu thầu mua thuốc để đưa ra các quy định phù hợp với tính chất đặc thù của mặt hàng thuốc và công tác khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ lập một cơ quan độc lập về việc quản lý giá thuốc nhằm tạo ra môi trường công khai, minh bạch, đảm bảo cạnh tranh công bằng về giá thuốc. Hy vọng, việc cạnh tranh công bằng, công khai trong đấu thầu giá thuốc sẽ giúp người bệnh giảm gánh nặng tiền thuốc vốn đè nặng lên vai người nghèo thời gian qua.
MINH KHANG