Bịt lỗ hổng trong phòng chống dịch

Sự xuất hiện của những biến chủng SARS-CoV-2 đang buộc các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá lại thời gian ủ bệnh Covid-19. Bằng chứng là rất nhiều ca bệnh được phát hiện dương tính sau khi đã hoàn thành cách ly 14 ngày.

Có thể kể đến trường hợp bệnh nhân 2.899 nhập cảnh từ Nhật Bản về Đà Nẵng ngày 7-4; đến ngày 22-4 bệnh nhân hoàn thành cách ly với 3 lần xét nghiệm âm tính; ngày 24-4 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp thứ hai là một chuyên gia Trung Quốc, sau khi cách ly tập trung đã di chuyển qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái; có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi làm thủ tục nhập cảnh từ Việt Nam về Trung Quốc. Hay như một chuyên gia Ấn Độ hoàn thành cách ly, được CDC Hải Phòng lấy kết quả 2 lần âm tính, sau 3 ngày về nơi cư trú mới phát hiện dương tính.

Mới nhất, TPHCM phải phong tỏa hẻm 359 đường Lê Văn Sỹ (quận 3) và khu ẩm thực chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10) do có ca tái dương tính sau khi hoàn thành cách ly ở tỉnh khác trở về. Các ca bệnh sau cách ly này đang làm lây lan Covid-19 trong cộng đồng, khiến các bệnh viện phải phong tỏa, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tỉnh thành cho học sinh dừng học.

Những thành công trong các đợt phòng chống dịch vừa qua đã mang lại niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị, hệ thống y tế dự phòng với những biện pháp phong tỏa kịp thời, truy vết và dập dịch nhanh chóng. Tuy nhiên, thực tế vẫn nảy sinh những điều đáng ngại. Người dân từ yên tâm chuyển sang lơ là, dẫn đến không mang khẩu trang, không giữ khoảng cách khi đến các khu vực đông người như lễ hội, khu du lịch, sân bay, bến xe, chợ, trung tâm thương mại… Có người sau khi hết cách ly tập trung 14 ngày liền tiếp xúc nhiều người, đến những nơi rất dễ lây lan dịch bệnh. Một số đơn vị quản lý khu cách ly tập trung thiếu trách nhiệm, không kiên quyết xử lý việc tụ tập ăn uống, giao lưu giữa những người đang thực hiện cách ly, hoặc vi phạm quy định khi cho về ngay những người đủ thời hạn cách ly dù chỉ 2 lần xét nghiệm âm tính. Quy trình quản lý cách ly y tế tập trung còn bộc lộ những “lỗ hổng” cả ở cơ sở y tế lẫn địa phương và cả người nghi nhiễm.

Chính vì vậy, để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, tránh sự lây nhiễm SARS-CoV-2 từ những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh Covid-19, Bộ Y tế quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam lên 21 ngày.

Không chỉ vậy, sau khi hoàn thành cách ly, việc tổ chức bàn giao, tiếp nhận và đưa đón người sau cách ly về nơi cư trú phải được thực hiện nghiêm. Địa phương tiếp nhận người sau cách ly phải quản lý chặt giấy tờ, kết quả xét nghiệm, hướng dẫn kỹ việc tự theo dõi 14 ngày tại nhà, hạn chế tiếp xúc đông người, thực hiện 5K và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác. Người cách ly ra về phải đăng ký xe trước với đơn vị, có người giám sát đi cùng, đeo khẩu trang trong quá trình di chuyển, tránh tiếp xúc người ngoài, sát khuẩn tay liên tục… Về đến nơi lưu trú, người cách ly phải khai báo với trưởng thôn (khu phố), cam kết theo dõi sức khỏe tại nhà; báo cho cơ quan y tế địa phương biết và ghi nhật ký tiền sử tiếp xúc gần cho đến khi hết 14 ngày kế tiếp.

Trong tình hình dịch lan rộng hiện nay, việc thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch là của toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Mọi lỗ hổng phải được bịt lại, mọi nghi ngờ phải được chặn ngay. Các hành vi không chấp hành quy định y tế, trốn tránh cách ly, coi thường sức khỏe bản thân và cộng đồng, làm lây lan dịch bệnh phải được xử phạt nghiêm, khởi tố theo quy định pháp luật. Trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương để xảy ra sai sót, không quản lý chặt người cách ly, truy vết chậm trễ cũng phải sớm làm rõ, xử lý nghiêm.

Tin cùng chuyên mục