Bỏ chất theo lượng!

Những ngày gần đây, trước việc vài sinh viên học vượt, tốt nghiệp trước thời hạn khiến một số trường đại học (ĐH) quay lại đặt vấn đề cắt giảm chương trình đào tạo ĐH còn 3 năm, như một số trường trên thế giới. Liệu điều kiện hiện nay của Việt Nam có dễ dàng rút ngắn chương trình đào tạo cử nhân đến 1/4 thời gian?

Cuối năm 2016, Chính phủ ban hành 2 quyết định quan trọng: Khung trình độ quốc gia của Việt Nam có 8 bậc, trong đó ĐH là bậc 6 được yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ; Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân quy định chương trình đào tạo ĐH có thời gian tương đương 3 - 5 năm. Nhưng đến nay các chương trình kỹ sư từ 5 năm xuống còn 4 năm, các ngành cử nhân chỉ còn 3,5 năm. Với ngành y khoa, cụ thể Trường ĐH Y Dược TPHCM cho rằng không thể kéo từ 6 năm xuống còn 5 năm. Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đầu năm 2019 đã tổ chức họp bàn cắt giảm từ 150 tín chỉ còn 120 tín chỉ, nhưng các giảng viên có những phản biện nên vẫn phải giữ chương trình đào tạo với 150 tín chỉ.

Lý do viện dẫn cho việc đào tạo 3 năm cho ra trường sớm chính là cho rằng ở Anh, Mỹ hay Australia..., chương trình cử nhân chuẩn là 3 năm. Thế nhưng, theo các chuyên gia giáo dục Việt Nam, chỉ có một số ngành đào tạo 3 năm. Ở Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác, các chương trình cử nhân phần lớn 4 năm, thậm chí một số nước đào tạo chương trình kỹ sư 5 năm. Nên, trong tình hình hiện tại, rút ngắn thời gian đào tạo cử nhân ở Việt Nam còn 3 năm như nhiều người mong muốn sẽ là thảm họa.

Vì các chương trình cử nhân 3 năm ở các nước không có 11 tín chỉ chính trị và 8 tín chỉ tiếng Anh như ở Việt Nam - chưa kể các môn thể dục và giáo dục an ninh quốc phòng. Thứ hai, sinh viên các nước phát triển có thời gian tự học rất nhiều, gấp đôi - gấp ba Việt Nam. Nhiều môn học ở Việt Nam chỉ có 1 cuốn giáo trình, trong khi ở các nước khác họ có nhiều đầu sách để đọc, tham khảo. Kế đến là cơ sở vật chất của chúng ta còn thua xa bạn. Những ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khi thí nghiệm, thực hành thì không thể cưỡi ngựa xem hoa là xong. Một yếu tố quyết định nữa là trình độ của giảng viên, liệu có quyết định rút ngắn chương trình hay không.

Việc rút ngắn thời gian đào tạo chắc chắn sẽ kèm cắt giảm số tín chỉ của chương trình đào tạo. Khung trình độ quốc gia của Việt Nam yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ. Và Bộ GD-ĐT cũng không yêu cầu giảm còn 120 tín chỉ. Một số ngành khác có thể chứ nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ không thể giảm còn 120 tín chỉ được. Chẳng hạn, chương trình cử nhân kỹ thuật Hóa ở Mỹ khoảng 130 tín chỉ, khoảng 4 năm; nếu bê nguyên chương trình này về Việt Nam, có khoảng 149 tín chỉ (4,5 năm).

Một nguyên lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM khẳng định: Thiết kế chương trình chuẩn thành 3 năm chỉ khi nào chúng ta có đủ điều kiện đảm bảo, về giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trình độ quản lý, sinh viên khá giỏi... và với những ngành khối kinh tế, xã hội. Thực tế hiện nay ở Việt Nam rất khó. Nếu có làm, chỉ có thể cắt xén chương trình. Nếu chúng ta chỉ nhìn vài sinh viên học vượt, tốt nghiệp sớm rồi muốn tất cả đều như thế thì không khả thi. 

Về quản lý, Bộ GD-ĐT không cấm 3 năm ra trường nhưng phải đáp ứng Khung trình độ quốc gia của Việt Nam. Chương trình đào tạo ĐH đâu thể muốn bỏ, muốn cắt môn nào cũng được. Hơn nữa, chương trình đào tạo phải được xây dựng thành chuỗi môn theo thứ tự, môn tiên quyết, môn bắt buộc, môn tự chọn. Đó là chưa nói với kiểu tín chỉ của Việt Nam, mức học phí thấp hơn vài chục lần so với các nước, lại thêm quy định 20 - 25 sinh viên/giảng viên... thì đào tạo theo tín chỉ chỉ kiểu nửa vời. Chưa kể hiện nay nhiều trường nhét 3 học kỳ/năm học. Điều này buộc sinh viên chỉ lo lên lớp học, không tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng, không dành thời gian nghiên cứu... Tức là sai với mục tiêu đào tạo.

Chúng ta đang theo đuổi mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên chất lượng đào tạo phải là mục tiêu quan trọng nhất. Vì vậy, việc cổ súy sinh viên ra trường nhanh, ra trường sớm mà bất chấp các điều kiện thực tế chẳng khác nào bỏ chất theo lượng.

Tin cùng chuyên mục