Từ xăm chân mày, tiêm filler, nâng mũi, nâng ngực, độn cằm… đến căng da mặt, hút mỡ bụng đều đã có không ít trường hợp “chữa lợn lành thành lợn què”. Ca nhẹ thì bể túi ngực, silicon vón cục, mù mắt, nặng thì mê man sống thực vật, thậm chí tử vong.
Luật Khám chữa bệnh, Nghị định quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã ràng buộc khá chặt chẽ đối với dịch vụ làm đẹp. Cụ thể, điểm d khoản 3 Điều 33 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định những cơ sở thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm không cần xin giấy phép hoạt động nhưng phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc: người thực hiện phun, xăm, thêu phải có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và cơ sở thẩm mỹ phải đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo quy định. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết những người hành nghề phun, xăm, thêu đều “tay ngang” và cơ sở làm đẹp thì muôn hình vạn trạng, từ tiệm cắt tóc gội đầu, làm móng, đều nhận phun, xăm, thêu, thậm chí cả hành nghề… dạo.
Theo Sở Y tế TPHCM, hiện chỉ có khoảng 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu thuộc diện không cần xin giấy phép hoạt động gửi thông báo đủ điều kiện hoạt động về cơ quan quản lý này. Chưa có cơ sở dạy nghề nào về xăm, phun, thêu được Sở Lao động Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động.
Theo quy định, đối với các cơ sở thẩm mỹ nếu có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) bắt buộc phải có giấy phép hoạt động. Những hoạt động này chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thống kê của Sở Y tế TPHCM cho thấy, đến nay thành phố có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa hoặc đơn vị thẩm mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và khoảng 1.398 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chăm sóc da, spa. Tuy nhiên, bao nhiêu phần trăm trong số đó được cấp phép hoạt động, đủ điều kiện hành nghề, thì vẫn là câu chuyện “hên, xui” đối với khách hàng.
Như vậy, liệu có tình trạng làm ngơ, bảo kê hay quá yếu kém trong quản lý? Trước hết, cơ quan quản lý chuyên ngành địa bàn không thể biện minh rằng “chúng tôi vô can” khi cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động ì xèo ngay trên địa bàn mình quản lý. Vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra không được “kích hoạt” hay đã bị “vô hiệu hóa” (!?). Phòng y tế quận, huyện chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện và tham mưu cho Sở Y tế, nhưng nhiều nơi lại để xảy ra tình trạng hoạt động dịch vụ thẩm mỹ “coi trời bằng vung”. Không những thế, những hoạt động dịch vụ liên quan đến sức khỏe con người như phòng khám, phòng nha khoa, hiệu thuốc tây lâu nay cũng nhộn nhạo, biến tướng mà trách nhiệm quản lý trước hết thuộc về phòng y tế, sở y tế. Đơn vị quản lý lại thiếu kiên quyết, mức chế tài như “gãi ngứa” đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, phòng khám, tiệm thuốc tây hay phòng nha khoa. Trong khi, dịch vụ thu phí có khi tính hàng ngàn USD, hàng trăm triệu đồng mỗi ca, nhưng mức xử phạt (nếu có vi phạm) chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng thì quả khó có sức răn đe.
Nhu cầu làm đẹp là chính đáng và cơ quan chức năng phải có trách nhiệm bảo đảm cho nhu cầu, quyền làm đẹp ấy của người dân. Bên cạnh đó, chính người dân cũng phải biết “làm đẹp thông thái”, làm đẹp an toàn.