Bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường - việc cần làm

Từ năm 2016, Thủ tướng phê duyệt Chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, nhất là các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi và tăng chiều cao. Trong 3 năm qua, nhiều tỉnh thành, trường học đã hưởng ứng tích cực triển khai thực hiện chương trình này nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ tương lai. 

Tuy nhiên, bên cạnh sự tích cực trong việc thực hiện chương trình nhân văn trên cũng có những nơi tỏ ra hoài nghi, không thực hiện và cho rằng cần có những quy chuẩn thống nhất cụ thể về chất lượng, tiêu chuẩn của sữa dùng trong chương trình nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn nhất cho trẻ em.

Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường. Theo đó, một trong những nội dung được người dân rất quan tâm là quy định các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường phải bổ sung đủ 21 loại vi chất (vitamin và khoáng chất). Nghĩa là, ngoài 3 vi chất sắt, can xi, vitamin D mà chương trình đang áp dụng, tới đây sẽ thêm 18 vi chất: kẽm, đồng, phospho, magiê, các loại vitamin A, E, C, B1, B2 và một số vitamin khác. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 31 ra đời, đã có không ít thông tin, dư luận phản đối khi cho rằng Bộ Y tế căn cứ vào các quy định, tiêu chuẩn, nghiên cứu nào để quyết định sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình phải bổ sung đủ 21 loại vi chất!? Sao lại 21 vi chất mà không phải là 5, 10 hay 35 vi chất.

Bộ Y tế khẳng định việc bổ sung 21 vi chất rất cần thiết, giúp đáp ứng các nhu cầu về vitamin và khoáng chất hàng ngày của trẻ. Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam và thế giới cho thấy tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng tới suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, có khoảng 40 vi chất dinh dưỡng mà cơ thể không tự tổng hợp được, trong đó có 21 vi chất mà trẻ em nước ta và các nước Đông Nam Á đều thiếu ở mức cao. Các vi chất này ảnh hưởng đến quá trình phát triển cơ thể thông qua vai trò tham gia các phản ứng trong cơ thể. Do vậy, toàn bộ 21 vi chất dinh dưỡng được yêu cầu đưa vào chương trình dựa trên cơ sở hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc, đồng thời dựa trên Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. Cũng qua nghiên cứu, việc quy định tăng cường 21 vi chất vào Chương trình sữa học đường là nhằm đảm bảo hàm lượng các vi chất dinh dưỡng ổn định đạt được mức đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn của trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển. Hơn nữa, WHO cũng có những công trình khoa học chỉ rõ việc bổ sung vài vi chất đơn lẻ vào thực phẩm không có ý nghĩa đối với sự phát triển chiều cao của trẻ em. Việc bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết vào sữa, một loại thực phẩm thiết yếu đã được thực hiện từ rất lâu trên thế giới, qua đó giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm mua được những sản phẩm sữa tươi bổ sung các loại vi chất từ nhiều nhãn hiệu khác nhau.

Rõ ràng, những ý kiến phản đối hay hoài nghi việc thực hiện chương trình, cũng như quy định bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng là thiếu cơ sở khoa học. Những ý kiến này không chỉ cố tình phủ nhận các phương pháp nghiên cứu khoa học, thực nghiệm về dinh dưỡng, cũng như lợi ích được khoa học chứng minh vi chất dinh dưỡng đem lại cho sức khỏe, phát triển thể chất, mà còn gây sự hoài nghi, hoang mang không đáng trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục