Bỏ viên chức suốt đời

Chiều 25-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Chiều 25-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó, Quốc hội đề nghị xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 10-1-2020.

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Theo đó, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính thức bỏ chế độ “viên chức suốt đời” từ 1-7-2020. 

Quốc hội cũng thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, bổ sung Điều 19a vào sau Điều 19 là các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Trong đó, Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Luật cũng được bổ sung quy định miễn thị thực, với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển hoặc khu kinh tế đặc biệt theo quyết định của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục