Sau nhiều năm khốn khó vì môi trường bị ô nhiễm, những hộ dân hai bên bờ sông Thị Vải tưởng đã có thể “đòi lại công bằng” khi Vedan bị phát hiện xả chất thải gây ô nhiễm ra môi trường. Sau nhiều tháng chờ đợi, tốn không biết bao nhiêu công sức chạy lên chạy xuống gõ cửa các cơ quan liên quan, bổ sung đơn từ, đến nay, cái mà họ nhận được từ Vedan là lời hứa sẽ hỗ trợ 25 tỷ đồng.
Đem con số này chia cho 7.000 hộ dân có đơn yêu cầu Vedan bồi thường thì bình quân mỗi hộ có thể được nhận khoảng 2,8 triệu đồng (?). Một con số quá bèo bọt so với mức thiệt hại thực tế. Nhưng xem ra muốn nhận được nó cũng không dễ dàng gì, khi Vedan đơn phương đưa ra các tiêu chí “ngặt nghèo”.
Giá của môi trường là bao nhiêu? Quá khó với các cơ quan chức năng. Càng khó với những người nông dân chân lấm tay bùn. Phải chăng vì vậy mà họ phải chịu thiệt, chỉ được “hỗ trợ” thay vì được “bồi thường”? Từ vị trí thượng phong, được đưa ra các yêu cầu thì họ trở thành người phải “chịu ơn” Vedan vì được Vedan hỗ trợ, bị Vedan phán mức hỗ trợ, ngay đối tượng được hỗ trợ cũng do Vedan tự đề ra nốt.
Họ có lỗi gì trong việc này? Họ không là người đem ô nhiễm về tàn phá ruộng vườn, ao đầm của mình. Họ đã liên tiếp cảnh báo, kêu cứu về tình trạng ô nhiễm trầm trọng xảy ra xung quanh mình, trong đó có cả việc xác định Vedan là một trong những thủ phạm chính. Họ cần phải làm gì nữa? Kiểm tra, giám sát? Nhà nước đã có hẳn bộ máy để làm việc này.
Những người đứng đầu Hội Nông dân TPHCM và hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã lên tiếng khẳng định, họ sẽ theo vụ việc này đến cùng để hội viên mình không thiệt thòi. Đó là điều đáng mừng. Nhưng trên thực tế, nông dân đang rất lo lắng bởi họ biết đây là công việc ngoài tầm tay của hội, nếu như hội không nhận được sự ủng hộ từ các ngành liên quan như: tài nguyên - môi trường, nông nghiệp, thậm chí là các cơ quan tư pháp.
Cho đến thời điểm này, sau gần 7 tháng xảy ra sự việc, trong khi Vedan gần như đã hoạt động bình thường trở lại thì những người nông dân, “nạn nhân” của những hành vi sai trái của Vedan, lại khắc khoải ngồi chờ được Vedan xem xét. Bất hợp lý này cần phải sớm chấm dứt. Lối ra của nó là gì?
Công bằng nhất là ai gây ra hậu quả thì phải chịu trách nhiệm. Sông Thị Vải chết không phải chỉ do Vedan. Trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ “canh” Vedan cần được xác định. Họ phải có nhiệm vụ “định giá môi trường”, chứng minh thiệt hại của người dân để người dân có cơ sở đòi Vedan (và có thể nhiều doanh nghiệp khác nữa) bồi thường.
Cần lưu ý, thiệt hại của người dân do ô nhiễm môi trường không chỉ là giảm sút nguồn thu nhập, phải chuyển nghề… mà còn là sức khỏe, môi trường sống. Nếu chỉ tính đúng, tính đủ những thiệt hại về kinh tế thôi thì người dân cũng đã thiệt thòi nhiều rồi…
HƯƠNG UYÊN