Bức xúc từ “vùng trũng” giáo dục

ĐBSCL là vùng đất rộng lớn, giàu tiềm năng với dân số gần 20 triệu người. Các tỉnh thành trong vùng đều xác định: Giáo dục là “quốc sách hàng đầu” nên dồn nhiều tâm huyết, trí tuệ, của cải và nhân lực cho sự nghiệp “trồng người”. Trung ương cũng đã “ rót” vào đây gần 18% kinh phí mỗi năm của ngành giáo dục cả nước. Vậy mà kết quả đạt được không như mong đợi: 10 năm qua, khu vực này vẫn là “vùng trũng” của giáo dục cả nước. Tại sao vậy?

Phải công bằng nhận xét, ĐBSCL có nhiều cái khó. Đa số người dân sống ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vị trí địa lý không thuận lợi, nhiều kênh rạch chằng chịt, đò ngang cách trở, cầu đường còn lổm chổm… nên việc mở trường, tập hợp thầy cô giáo và học sinh đến lớp là cực kỳ khó khăn. Nhưng khó khăn thì nơi nào chả có; khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên còn khốn khổ hơn. Nhiều năm qua, ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, ĐBSCL đều thiếu giáo viên trầm trọng. Thầy cô giáo do địa phương tự đào tạo chỉ như muối bỏ biển. Nhiều người được đào tạo chính quy trong ngành giáo dục nhưng khi ra trường không chịu về vùng sâu, chấp nhận bỏ nghề vì xuống đó thiếu mọi thứ cần thiết cho sinh hoạt đời thường.

Đáng buồn hơn là chất lượng giảng dạy còn quá thấp kém. Giáo viên mới học lớp 9 mà dạy cấp 3 thì cả nước chỉ có ở Kiên Giang, ĐBSCL. Chất lượng giáo viên thấp như vậy, thử hỏi trình độ học sinh làm sao cao được? Ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 mới đây tại Tiền Giang (một tỉnh có chất lượng giáo dục khá của ĐBSCL) trên 3.000/15.000 bài thi môn toán bị điểm 0. Ở Đồng Tháp có rất nhiều học sinh trình độ lớp 7, lớp 8 nhưng đọc chữ không rành. Vì vậy không có gì bất ngờ về tình trạng học sinh bỏ học cao nhất nước với 3,1% so với 1,37% bình quân chung của cả nước.
 
Ở ĐBSCL, việc thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giáo dục là rất trầm trọng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục thấp. Đúng là những năm qua, ngành giáo dục đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng của vùng đất này và theo chỉ đạo của Thủ tướng (chỉ có gần 18% thay vì 22%) và cơ sở hạ tầng của vùng ở điểm xuất phát thấp nhưng phải thừa nhận sự nỗ lực của các địa phương trong vùng còn nhiều hạn chế. Không ít nơi nhân dân hiến đất xây trường nhưng chất lượng nhiều công trình kém đến mức chưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp không thể đưa vào dạy và học được. Rõ ràng là việc quản lý của ngành còn quá nhiều lỗ hổng.

Để ĐBSCL thoát khỏi “vùng trũng” giáo dục không phải một sớm, một chiều. Ngoài việc Trung ương cần đầu tư theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và tương xứng với tiềm năng của vùng, đòi hỏi các địa phương ĐBSCL cần có sự hợp tác chặt chẽ, huy động mọi nguồn lực; đặc biệt là sức dân đầu tư thỏa đáng cho ngành giáo dục. Nhiều vấn đề đáng quan tâm như chất lượng dạy và học phải làm lại từ đầu để chất lượng giáo viên và học sinh dần vươn lên ngang bằng với các vùng miền khác trong cả nước.

LÊ BÌNH

Tin cùng chuyên mục