
Gần đây, trước nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, nhiều cơ sở y tế tư nhân ở tuyến địa phương mọc lên rất nhanh. Bên cạnh sự tiện lợi, giá thành hấp dẫn thì việc bùng nổ dịch vụ y tế này có nhiều mặt trái như đội ngũ y bác sĩ thiếu chuyên môn, phương tiện kỹ thuật lạc hậu… Điều này đã dẫn tới một số trường hợp chẩn đoán bệnh sai, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Bệnh nhân được chụp chẩn đoán tại BV Đa khoa Hoàn Mỹ TPHCM, cơ sở y tế đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Ảnh: NGỌC TRƯỚC
Mới đây, gia đình của chị gái tôi tên là Nguyễn Thị Vân (ở Phú Cốc - Quang Vinh huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên) đã sửng sốt, lo ngại trước kết luận của một đơn vị khám bệnh tư nhân ở huyện Ân Thi - cho rằng chị bị viêm đường tiết niệu, hồng cầu dương và có nhiều khả năng bị viêm gan siêu vi B.
Quá lo lắng về bệnh tật vừa bị phát hiện, chị chỉ biết thở dài, thậm chí trong đầu luôn nghĩ đến “cái án tử hình” đang mang trong người.
Thấy vậy, tôi thuyết phục chị đi khám lại tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Sau khi được các bác sĩ cho đi làm các xét nghiệm y khoa như thử nước tiểu, máu… thì lại có kết quả trái ngược.
Cụ thể là chị chẳng có bệnh gì, đi tiểu vẩn đục là do nước tiểu bị đóng cặn vì ít chịu uống nước (nước giếng quê tôi có tỷ lệ canxi nhiều, nên nhiều người cũng có triệu chứng này). Quả thật, nhận kết quả mới này, chị tôi vui mừng khôn xiết, liền gọi điện về quê báo tin ngay. Trước đó, một người thân của tôi làm nghề giáo viên mầm non cũng bị Trung tâm y tế huyện chẩn đoán, từ đau bụng bình thường thành đau ruột thừa, khiến cả nhà lo sốt vó. Tuy nhiên, ngay sau đó sự việc được làm sáng tỏ khi gia đình quyết định đưa chị đến bệnh viện tỉnh khám, thì kết quả chẩn đoán hoàn toàn trái ngược lúc ban đầu.
Từ những câu chuyện buồn về khám chữa bệnh của người thân ở quê, tôi thấy bức xúc về chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở dịch vụ y tế tư nhân, đặc biệt là ở tuyến cơ sở xã, huyện. Có không ít trường hợp còn bị chỉ định mổ sai và không cần thiết, gây tổn hại về tinh thần, thể xác, tiền bạc cho bệnh nhân lẫn người nhà. Không biết nguyên nhân chẩn đoán bệnh tật sai là do tắc trách, trình độ non kém hay một phần vì thiếu các thiết bị y tế hiện đại, đủ chuẩn?
Vậy mỗi khi chẩn đoán bệnh sai, thậm chí gây tử vong thì ai xử phạt và xử phạt như thế nào để răn đe về y đức, trách nhiệm của y, bác sĩ?
Từ thực tế này, chúng tôi mong muốn Bộ Y tế, ngành y tế địa phương cần đẩy mạnh việc thanh tra các cơ sở y tế, nhất là cơ sở y tế tư nhân để chỉnh đốn về năng lực, trình độ, đạo đức hành nghề của các y, bác sĩ.
Văn Nguyễn