Từ ngày 5-5-2010, việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên sẽ được thực hiện theo quy định mới tại Nghị định 25/2010/NĐ-CP của Chính phủ; theo đó đến ngày 1-7-2010, tất cả các công ty nhà nước phải chuyển đổi và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Thời gian rất cấp bách, nhưng tính đến thời điểm hiện nay còn hơn 1.500 doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi vẫn chưa thực hiện xong.
“Thay máu” doanh nghiệp nhà nước là nhằm tăng cường sự quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước, đề cao trách nhiệm của từng thành viên hội đồng thành viên, ban tổng giám đốc, để chủ sở hữu, lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với đồng vốn của nhà nước và bảo đảm hiệu quả hoạt động doanh nghiệp… Gắn với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của công ty TNHH một thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước hoặc thành lập mới, Nghị định 25 quy định về tổ chức quản lý “chỉ do một tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu”. Điều này nhằm tránh tình trạng nhiều cơ quan quản lý nhà nước không được giao chức năng chủ sở hữu - nhất là các sở, ban, ngành ở địa phương - vẫn xen vào tham gia các vấn đề của công ty, làm hạn chế quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa xóa nhòa trách nhiệm của người đứng đầu về hiệu quả đồng vốn, tài sản của nhà nước giao đơn vị sử dụng.
Trong khi tiến trình chuyển công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên thực hiện chậm chạp, việc cổ phần hóa cũng gặp ách tắc, khó khăn. Nghị định 109/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đã đề ra mục tiêu phải được thực hiện xong trong năm nay (trừ các công ty công ích). Chỉ tiêu đề ra trong năm 2009-2010 phải cổ phần hóa 714 doanh nghiệp, nhưng đến nay chỉ thực hiện được 65 doanh nghiệp. Cổ phần hóa là chủ trương lớn của nhà nước nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng tiềm lực tài chính và tăng khả năng cạnh tranh nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Điều này thực tế xác nhận là hướng đi đúng đắn. Đa số các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đều tăng hiệu quả kinh doanh, bảo đảm quyền lợi người lao động, nộp ngân sách cao hơn trước, quản trị doanh nghiệp năng động hơn…
Tuy vậy, thực hiện chủ trương cổ phần hóa là cả một chặng đường gian nan. Trong số 3.845 doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ năm 2008 trở về trước có đến 76% doanh nghiệp quy mô nhỏ, số vốn dưới 10 tỷ đồng. Chỉ có 77 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng. Đối với các công ty đã cổ phần hóa, cũng khó tạo sự chuyển biến về chất trong quản trị, điều hành, bởi lẽ đến nay vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn chiếm đến 57% vốn điều lệ (kể cả những doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề không cần nhà nước chi phối), các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chỉ nắm giữ 6%. Chính vì vậy kế hoạch trong năm 2009-2010 phải cổ phần hóa 65 tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn trên 1.000 tỷ đồng càng trở nên xa xăm, khó có thể thực hiện nếu không có quyết tâm và cách làm quyết liệt.
Tiến trình cổ phần hóa chậm còn xuất phát từ các tổng công ty đang rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí mất vốn chủ sở hữu nên không thể tiến hành cổ phần hóa. Mặt khác vẫn có một số cá nhân thích điều hành doanh nghiệp theo kiểu tự tung tự tác với cơ chế “cha chung không ai khóc”, không muốn chia sẻ quyền lực của mình. Vấn đề đặt ra là phải tái cơ cấu các doanh nghiệp thua lỗ và đề ra lộ trình, quy định thời gian thực hiện nghiêm chỉnh. Nếu vẫn không khắc phục được thì phải xem xét cho giải thể, phá sản doanh nghiệp, chứ không thể tiếp tục để các doanh nghiệp này tồn tại theo kiểu “chết nhưng chưa được chôn”, làm kéo trì tiến trình cổ phần hóa, làm đồng vốn nhà nước phân tán vào các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, gây tác động xấu đến nền kinh tế.
Lê Tiền Phong