Bước ngoặt cho hòa bình ở Afghanistan?

Romania và CH Czech vừa tuyên bố sẽ rút binh sĩ đang đồn trú tại Afghanistan cùng với lộ trình của Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Trước đó, Tổng thống Mỹ  Joe Biden thông báo, Mỹ - quốc gia có binh sĩ đồn trú đông nhất tại Afghanistan - sẽ rút toàn bộ số binh sĩ tại Afghanistan trước ngày 11-9, thời điểm tròn 20 năm sau loạt tấn công khủng bố của al-Qaeda vào nước Mỹ, châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài của Washington tại quốc gia Nam Á này. 

Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại, việc Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan có nguy cơ tạo ra khoảng trống cho phép các tổ chức khủng bố, đặc biệt là al-Qaeda, quay trở lại.

Bước ngoặt cho hòa bình ở Afghanistan? ảnh 1 Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9-2021. Ảnh: REUTERS

Kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến nhằm vào Taliban cách đây 20 năm, đến nay, lực lượng này tuy đã suy yếu về nhiều mặt nhưng vẫn tạo ra những thách thức an ninh không nhỏ đối với Afghanistan. Tuy Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani khẳng định, lực lượng vũ trang của nước này đủ khả năng bảo vệ Afghanistan, song việc al-Qaeda từng duy trì mối quan hệ phức tạp với Taliban đã làm dấy lên những hoài nghi liệu Taliban có thể hoàn toàn chấm dứt quan hệ với tổ chức khủng bố khét tiếng này? Liệu cam kết ngăn chặn al-Qaeda hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan của Taliban - vốn là điều kiện tiên quyết dẫn đến thỏa thuận hòa bình với Mỹ năm 2020 - có trung thực? 

Về phía Mỹ, việc rút quân được đánh giá sẽ phá vỡ thế bế tắc, giúp Mỹ thoát khỏi tình thế sa lầy trong cuộc chiến (vốn tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ ước tính 2.000 tỷ USD và cướp đi sinh mạng của hơn 2.400 quân nhân Mỹ) và buộc Taliban nghiêm túc thực hiện cam kết. Tuy nhiên, hòa bình cho Afghanistan thực sự vẫn rất mong manh, bởi còn nhiều yếu tố đáng lo ngại đang chi phối. Nước láng giềng Pakistan nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là việc rút các binh sĩ quốc tế khỏi Afghanistan phải phù hợp với những tiến triển trong tiến trình hòa bình tại nước này. 

Tiến trình hòa bình tại Afghanistan vốn được cộng đồng quốc tế thúc đẩy, trong bối cảnh bạo lực gia tăng ở quốc gia này đang gây ra tình trạng khủng hoảng an ninh, nhân đạo trầm trọng. Từ thực tế đó, bất chấp việc rút quân theo kế hoạch của Mỹ và khoảng 30 nước thành viên NATO, Liên hiệp quốc tuyên bố vẫn sẽ duy trì sứ mệnh chính trị và nhân đạo của mình ở Afghanistan, vì việc rút quân “rõ ràng sẽ có tác động đến quốc gia này về mọi phương diện”.

Tin cùng chuyên mục