Có lẽ chưa bao giờ vấn đề an toàn đường sắt trở nên nóng bỏng, cấp bách như hiện nay. Trong thời gian qua, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Mới đây nhất, chiều 28-9, tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), người điều khiển xe gắn máy cố vượt qua đường sắt khi đoàn tàu đang chạy đến, chẳng may xe chết máy, cả hai vợ chồng và em bé 4 tuổi bị tàu SE5 tông chết. Trước đó, sáng 6-8, tại Hà Nam, tàu TN6 chạy hướng TPHCM - Hà Nội đâm phải một chiếc xe benz khiến 3 toa tàu lật nhào, gây ra cảnh ùn tắc cả 10km trên quốc lộ 1A. Ngày 27-7, tại Thanh Trì (Hà Nội), 3 người phụ nữ đi dự đám cưới trên một chiếc taxi bị tàu SE4 đâm, tử vong. Còn nhớ, cách đây gần 1 năm, chiếc xe 30 chỗ ngồi chở nhiều người đi dự đám hỏi, đến đoạn Thường Tín (Hà Nội) đã bị tàu TN1 húc phải, 8 người trên xe và 1 người đi đường tử nạn, 9 người khác bị thương nặng…
Điểm qua một số vụ tai nạn giao thông đường sắt, tưởng đã nhiều, nhưng thực tế đó mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng số các vụ tai nạn đường sắt trong những năm gần đây.
Điều đó cho thấy, tình trạng an toàn giao thông đường sắt đã vượt quá mức báo động đỏ. Các vụ tai nạn giao thông đường sắt không những cướp đi sinh mạng của nhiều người, hủy hoại tài sản mà còn khiến hàng chục vạn hành khách đi tàu bị ảnh hưởng tâm lý, tiêu phí thời gian bởi phải chờ đợi giải quyết sự cố. Đặc biệt, hình ảnh của ngành đường sắt không khỏi bị ảnh hưởng trong mắt mọi người, trong đó có không ít du khách nước ngoài thích chọn tàu hỏa làm phương tiện đi lại để tìm hiểu, khám phá đất nước và con người Việt Nam.
Có dịp đi tàu hỏa Bắc - Nam, mới thấy đường sắt không chỉ dành riêng cho… tàu hỏa! Không chỉ người nước ngoài mà ngay cả hành khách trong nước cũng hết sức kinh ngạc khi thấy nhiều người và các phương tiện giao thông đường bộ vô tư qua lại trên đường sắt. Ở một số đô thị, khoảng cách an toàn gần như bằng 0 bởi ở nhiều nơi, người đứng trên tàu chỉ cần với tay ra là có thể chạm vào mái nhà của những người dân xây cất lấn chiếm hai bên đường tàu. Ở một số nơi, đường sắt còn là nơi… họp chợ, phơi phóng, thậm chí còn là nơi để các đôi trai gái chụp hình cưới hoặc lưu niệm (?!).
Ý thức về an toàn đường sắt của một bộ phận người dân hiện nay còn khá hạn chế. Đó là một thực tế đã tồn tại trong suốt nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có sự cải thiện mạnh mẽ nào. Những hình ảnh kinh hoàng từ các vụ tai nạn đường sắt dường như chưa đủ sức làm thay đổi thói quen “coi đường sắt như đường làng, xem tàu hỏa như con trâu trong chuồng nhà mình” của một số người.
Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận thấu đáo hơn về trách nhiệm của ngành đường sắt. Trong hệ thống đèn tín hiệu, biển báo trên toàn bộ tuyến hành trình Bắc Nam, có không ít thiết bị đã hư hỏng, xuống cấp và bị mất cắp nhưng không được đầu tư trang bị kịp thời; nhiều đường ngang dân sinh không có rào chắn, hay có những chuyến tàu đi qua nhưng không thấy nhân viên ngành đường sắt đâu, chỉ có một số người dân tự nguyện đứng ra điều khiển xe cộ để đảm bảo an toàn.
Nhưng quan trọng hơn hết là sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có các cơ quan chức năng trung ương và địa phương, các đoàn thể, phương tiện truyền thông đại chúng, nhà trường… Bên cạnh sự tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức về an toàn giao thông, cần có sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương trong việc giải tỏa những khu nhà lấn chiếm không gian an toàn đường sắt; cấm phơi phóng, họp chợ trên đường sắt.
Riêng ngành đường sắt, thiết nghĩ cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài đối với các hệ thống thiết bị; đồng thời chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của một số nhân viên có trách nhiệm nhằm đảm bảo an toàn đường sắt ở mức cao nhất. Chỉ có sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành đường sắt nói riêng, của toàn xã hội nói chung mới có thể tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về an toàn giao thông đường sắt trong thời gian tới.
Tô Tuân