Báo SGGP ngày 31-3-2008 có đăng bài “Nhà dân nằm dưới đường dây điện trung, cao thế: thiệt hại ai giải quyết?”, phản ánh việc ngành điện thi công đường dây cao thế 110kV Phú Lâm - Phú Định khiến 50 hộ dân ở khu phố 5 phường An Lạc quận Bình Tân TPHCM nằm dưới đường dây điện cao thế không được di dời. Không những thế, họ còn không được đền bù phần hạn chế sử dụng khi dây điện kéo qua nóc nhà theo quy định, chịu cảnh ô nhiễm môi trường, ngập nước triền miên do việc đổ đất nâng cao các tuyến đường tại khu phố…
Điều đáng nói là khi người dân có nhu cầu cấp thiết phải nâng cao nền nhà, mái nhà thì bị vướng giới hạn của quy định bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp. Sau khi báo đăng, Xí nghiệp điện Cao thế (Công ty Điện lực TPHCM) có văn bản trả lời là chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án (QLDA) nâng cấp đô thị TPHCM đã thiếu sót trong việc đánh giá tác động của dự án đến môi trường sống của các hộ dân. Cụ thể, do nâng cấp hẻm cao lên thêm từ 1m đến 1,4m, dẫn đến nhiều nhà dân thấp hơn mặt đất đến 1,2m.
Khi phát sinh nhu cầu chính đáng của người dân thì chủ đầu tư dự án không tích cực phối hợp giải quyết, mà lại đẩy toàn bộ trách nhiệm sang phía ngành điện. Trong khi ngành điện không thể đáp ứng nhu cầu giải tỏa nhà như đề nghị của một số gia đình ở đây. Để giải quyết nhu cầu sửa chữa nhà cho người dân, ngành điện lập phương án, kinh phí nâng cao đường dây và thông qua Ban QLDA nâng cấp đô thị TPHCM và chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Ban QLDA nâng cấp đô thị cho rằng, không có kinh phí thực hiện việc nâng đường dây điện cao thế vì nó nằm ngoài phạm vi của dự án nâng cấp đô thị. Về phía UBND phường An Lạc cũng nêu khó khăn không có kinh phí lẫn thẩm quyền giải tỏa đất để dựng trụ điện cao thế. Đến nay, sau 3 tháng Báo SGGP nêu vấn đề, các bên liên quan vẫn đùn đẩy trách nhiệm. Còn người dân tiếp tục gánh chịu thiệt hại…
Song Pha