
Năm 2006, một sự kiện được thế giới đánh giá cao đó là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tổ chức thành công Hội nghị APEC 14. Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO được người dân cả nước quan tâm. Vui mừng có, lo lắng cũng có. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã dành cho PV Sài Gòn Giải Phóng cuộc trò chuyện chung quanh sự kiện này.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (phải) trao giấy phép đầu tư cho AIA, công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài.
- PV: Năm 1995, khi Việt Nam ký hiệp định song phương AFTA về tự do thương mại, rất nhiều người đã lo ngại VN gặp khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Nay VN đã gia nhập WTO, sự lo ngại có vẻ nhiều hơn thế, nhưng cũng có một số người tin rằng - gia nhập WTO là Việt Nam có thể “hóa rồng” ngay, Phó Thủ tướng Thường trực có thể nói gì về hai luồng ý kiến trên?
Phó Thủ tướng Thường trực NGUYỄN SINH HÙNG: Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, chúng ta đã mở cửa từng bước và tiếp tục mở rộng hơn nữa. Năm 1995, khi Việt Nam vào AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN) nhiều người lo ngại, vì sợ hàng hóa nước ngoài vào sẽ lấn át hàng hóa trong nước, vừa ký BTA (hiệp định thương mại Việt - Mỹ), nhiều doanh nghiệp trong nước cũng hồi hộp lắm vì sợ cạnh tranh không lại họ. Nhưng thực tế 10 năm qua, nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của ta đã đạt gần 40 tỷ USD.
Vào AFTA là cuộc tập dượt lớn cho việc gia nhập WTO của ta. Không có cơ sở của thành quả kinh tế và kinh nghiệm hội nhập của 10 năm ấy, chúng ta khó đàm phán thành công với các nước, khi xin gia nhập WTO. Gia nhập WTO, đây là đỉnh cao của hội nhập kinh tế quốc tế, đưa chúng ta hội nhập sâu hơn và rộng hơn. Mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO không tạo ra hiệu quả tức thì và càng không thể có chuyện Việt Nam sẽ “hóa rồng” trong nháy mắt. Muốn “hóa rồng”, chúng ta không thể chỉ dựa vào sự phát triển kinh tế mà phải là phát triển toàn diện cả về giáo dục, xã hội, văn hóa, an ninh… Nói Việt Nam đang hội nhập toàn diện với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay thì đúng hơn, bởi chưa bao giờ vị thế Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như bây giờ.
Vào WTO là chúng ta đã bắt đầu một cuộc chơi mới, bình đẳng với 149 nước khác với luật lệ chung, mà ở đó chẳng ai nhường ai. Khó khăn trước mắt là có thật, nhưng đừng bi quan, bởi nếu vào WTO khó khăn nhiều hơn thuận lợi thì vào làm gì? Nước nào khi đàm phán vào WTO cũng giành phần được cho phía mình. Việt Nam cũng thế. Vào WTO có được có mất. Được 10 mất 1 vẫn là được đấy chứ. Người Việt Nam rất thông minh và tôi tin trong khó khăn ta phải thấy cái được để làm được, thấy cái thuận để vươn lên, thấy cái khó mà tránh.
- Việc có mặt hàng ngàn tập đoàn danh tiếng trong khu vực và trên thế giới trong APEC 2006 đã mang lại những “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp. Vậy theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng “thời cơ vàng” ấy và Chính phủ sẽ làm gì để giúp các doanh nghiệp VN biến “thời cơ vàng” thành “hiệu quả vàng”?
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chưa bao giờ nhiều hơn bây giờ, chỉ riêng tại Diễn đàn đầu tư kinh tế ở APEC 14 đã thu hút 2 tỷ USD được ký kết đầu tư vào VN, và APEC 2006 quả là thời cơ lớn cho toàn bộ nền kinh tế nước ta. Từ những ký kết hợp tác song phương giữa các chính phủ đến hàng chục dự án giá trị hàng tỷ USD của các tập đoàn kinh tế đã, đang và sẽ được thực hiện tại Việt Nam không chỉ giải quyết tốt hàng triệu việc làm mà còn giúp các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp cận những cách làm mới của các công ty hàng đầu thế giới, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và tham gia thị trường nước ngoài của mỗi doanh nghiệp. Vào sân chơi toàn cầu, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải chịu sự sàng lọc rất lớn.
Bây giờ là lúc chúng ta không thể “quơ bèo gạt tép”. Muốn ra biển lớn phải dùng tàu to. Không thể dùng xuồng, bè mà vượt đại dương được. Các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết nhau thành những hiệp hội, tập đoàn lớn để nâng sức cạnh tranh, chiếm giữ thị trường nội địa và vươn ra thị trường nước ngoài. Đây cũng là dịp để người Việt trong và ngoài nước liên kết làm ăn, cùng nhau nắm bắt những cơ hội mới để có thể chiếm và giữ được thị trường. Chúng ta phải chiếm lĩnh và giữ được thị trường Việt Nam, phải thắng ngay trên sân nhà, phải tận dụng mọi cơ hội để vươn ra thị trường ngoài nước.
Vào WTO là cuộc cạnh tranh toàn diện của mỗi quốc gia từ chính phủ với chính phủ, doanh nghiệp với doanh nghiệp... do vậy trong lúc khó khăn ban đầu này, người tiêu dùng Việt Nam cũng cần ủng hộ hàng Việt. Về phần mình, Chính phủ đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý an toàn, ổn định trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp, ưu tiên hỗ trợ đào tạo, nỗ lực tìm các thị trường mới và đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng.
- Mọi người đều cho rằng dệt, may và nông nghiệp là những lĩnh vực sẽ chịu những áp lực khó khăn khi Việt Nam gia nhập WTO, ý kiến của Phó Thủ tướng thế nào?
Dệt may của ta dù chủ yếu là gia công nhưng uy tín chất lượng không thua gì hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc. Năm 2006 chúng ta đã xuất khẩu hàng dệt may được 5,8 tỷ USD, dù chúng ta vẫn còn bị áp hạn ngạch xuất khẩu của dệt may. Nhưng vấn đề tôi muốn nói không phải là con số tiền tỷ kia, mà quan trọng hơn là - hàng Việt Nam đã ra thị trường nước ngoài từ khi chúng ta chưa gia nhập WTO, bây giờ gia nhập WTO chúng ta sẽ xóa bỏ được hạn ngạch dệt may, như thế trong lĩnh vực dệt may sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân khi gia nhập WTO, bởi nước ta phát triển đi lên từ nông nghiệp, do vậy, để kéo giảm khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn - thành thị, Chính phủ đã và sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ để đời sống nông dân tăng nhanh, bền vững. Vào WTO, các mặt hàng nông nghiệp nào còn yếu thì chúng ta bảo hộ bằng cách áp dụng thuế hạn ngạch và trong đàm phán vào WTO, chúng ta đã được phép trợ cấp cho nông nghiệp 10%/GDP, mức trợ cấp ấy còn cao hơn hiện tại. Chúng ta không nên quá lo lắng bởi những thông tin không chuẩn xác.
- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.
PHẠM THỤC