Sau một thời gian dài trầm lắng, thị trường nhà đất tại TPHCM lại sôi động. Các chiêu tiếp thị thông qua sàn giao dịch, treo dán quảng cáo ở cột điện hay phát tờ rơi dọc đường đã cũ. Nay giới cò địa ốc thông qua điện thoại di động, mạng xã hội quảng cáo bán nhà đất theo kiểu “dội bom” người tiêu dùng.
Dự án khu đô thị Đông Bình Dương đã bán đất cho hàng trăm khách hàng nhưng thực chất chỉ là bãi chăn thả trâu bò
Bùng nổ bán đất nền qua mạng
Sản phẩm được rao bán nhiều nhất là nền nhà dự án tại vùng ven, các tỉnh lân cận TPHCM - nơi người dân ít có điều kiện để tìm hiểu kỹ. Trên điện thoại, facebook thời gian gần đây liên tục xuất hiện những lời mời mua nền nhà trong khu dự án ở Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), Bến Lức, Cần Giuộc (Long An)... Những lời quảng cáo đều rất “hấp dẫn” vì dự án đẹp, giá quá rẻ, khuyến mãi rất thuận lợi, như: “Khu đô thị Chợ Mới Long Thành, mặt tiền quốc lộ 51, gần UBND huyện giá 4,8 triệu đồng/m2, sổ hồng 100%”; “Bán nền đất dự án ngay ga metro, trung tâm hành chính trọng điểm phía Nam, giá mỗi nền 175 triệu đồng, trả góp 0%, sổ hồng riêng, bao sang tên”; “Đất dự án cần bán gấp. Lô mặt tiền quốc lộ 1, thị trấn Bến Lức, Long An, giá 198 triệu đồng/nền, sổ riêng”; “Lô góc mặt tiền tỉnh lộ 10, Bình Chánh, TPHCM, 6,5 triệu đồng/m2, trả trước 35%, trả góp không lãi”; “Bán đất nền dự án Đông Bình Dương, huyện Dĩ An, Bình Dương. 200 nền đất đường chính 24m, đường phụ 14m, thổ cư 100% sổ riêng từng nền, thanh toán linh hoạt theo tiến độ dự án đến 70% nhận nền xây nhà, ngân hàng hỗ trợ vay 50%”…
Cùng với việc tiếp thị qua mạng, các cò nhà đất còn sẵn sàng đến nhà để tư vấn miễn phí khi khách hàng có yêu cầu; giúp làm hợp đồng mua bán. Người dân luôn nhận được những lời cam kết đầy mê hoặc, như: Sinh lợi ngay 10% sau khi ký hợp đồng; chỉ ký hợp đồng rồi giao cho chủ đất bán lại đã có ngay lợi nhuận... Khách hàng còn được đưa đi tham quan dự án ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An...
Hợp đồng “hợp tác đầu tư”
Hiện nay, quảng cáo bán nhà đất thông qua điện thoại di động, mạng xã hội đã trở nên phổ biến. Đây là hình thức quảng cáo, giới thiệu sản phẩm có chi phí thấp, lại thuận lợi để tiếp cận giữa người có nhu cầu mua nhà đất và nhà môi giới. Tuy nhiên, biện pháp chế tài đối với loại hình quảng cáo, giới thiệu sản phẩm chưa chặt, đã dẫn đến tình trạng quảng cáo một đằng bán một nẻo. Nhiều người đã bị “tiền mất, tật mang” khi mua nền đất qua mạng.
Anh Văn Đoàn (ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức) cho biết: “Tôi đã chịu khó ra Nhơn Trạch xem đất nền dự án mình định mua, mới thấy khoảng cách giữa lời quảng cáo, tư vấn của nhà môi giới với thực tế rất xa nhau. Quảng cáo là đất nền đã được phê duyệt 1/500, hạ tầng đầy đủ, hoàn thiện, nhưng trên thực tế vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện. Nhà môi giới chỉ đưa ra được các bản sao không đầy đủ về pháp lý của dự án”. Thật vậy, nhiều người tin quảng cáo, nghe lời nhà tư vấn đặt bút ký hợp đồng, đặt cọc tiền khi chưa đi thực tế, dẫn đến mất tiền mà không có đất. Ông Nguyễn Đình S. cùng hàng chục người khác đã rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Thiên Phú Hưng (Bình Dương) và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng HHA (tòa nhà Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, quận 1) mua nền đất tại dự án Đông Bình Dương (Tân Bình, Dĩ An, Bình Dương). Khách hàng đã đóng tiền, nhận số lô, nền nhà, nhưng trên thực tế, khu dự án rộng 126ha vẫn còn là bãi đất hoang dùng chăn thả trâu bò. Khu đất này vốn là một dự án nhà ở nhưng chậm triển khai nên đã bị tỉnh thu hồi. Trong khi chính quyền chưa giao cho chủ đầu tư mới, 2 doanh nghiệp này đã tự vẽ ra bản đồ phê duyệt quy hoạch 1/500 để rao quảng cáo, lừa bán cho khách hàng.
Theo Luật sư Thái Văn Chung (Đoàn Luật sư TPHCM), có không ít người dân đã quá tin lời quảng cáo của nhà môi giới, ký hợp đồng mua nền đất khi chưa thấy thực tế, không nắm vững pháp lý, nên phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Do pháp lý nền đất không rõ ràng, nhà đầu tư và nhà môi giới thường lừa khách hàng bằng cách dùng hợp đồng “hợp tác đầu tư” thay cho hợp đồng “mua bán, sang nhượng”. Vì thế, khi dự án bị phá sản, không có nền đất để giao, không đúng tiến độ là… huề cả làng, khách hàng bị mất tiền. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua bất động sản, ngoài việc người mua phải có ý thức tìm hiểu kỹ nền đất trước khi ký hợp đồng, cần phải quản lý chặt và xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cá nhân có hành vi lừa đảo khách hàng.
TRẦN YÊN