Cam kết hành động tháng 3

Theo thống kê, số dự án FDI đăng ký cấp mới tại TPHCM có tín hiệu tích cực, với lũy kế 2 tháng đầu năm có 101 dự án, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng số vốn đăng ký cấp mới đạt 97,7 triệu USD, tăng 22,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng 6,1% so với cùng kỳ 2022…

Cùng với đó là những chuyển biến tích cực từ thị trường Trung Quốc, Mỹ và chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh trong nước đến từ Chính phủ và TPHCM. Song, với sự cẩn trọng cần thiết, dù ghi nhận kinh tế TPHCM có khả năng phục hồi sớm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vẫn nhìn nhận đà suy giảm từ quý 4-2022 còn ảnh hưởng đến hết quý 1, thậm chí đầu quý 2-2023.

Sự cẩn trọng là có cơ sở khi kinh tế thế giới vẫn đang đối diện với áp lực lạm phát, tăng lãi suất, giảm tổng cầu… cùng với những tác động phi kinh tế khác vẫn đang diễn biến khó lường. Trong 3 thị trường lớn của Việt Nam, Trung Quốc hồi phục tăng 5,2%, Mỹ chỉ đạt 1,4% và EU đạt 0,7%. Các nước Đông Nam Á có hồi phục nhưng rất chậm. Với diễn biến kinh tế thế giới tuy chưa tới mức lâm vào suy thoái nhưng khá trì trệ, việc tăng chi phí do lạm phát và nghẽn chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam và TPHCM. Thành phố lại phụ thuộc rất lớn vào chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tín dụng và những điểm nghẽn về thể chế.

Do đó, để củng cố nền tảng cho việc phát triển bền vững trong dài hạn, trước mắt trong năm 2023, TPHCM cần tập trung mục tiêu tăng GRDP, trong đó chủ động rà soát những ngành, lĩnh vực đóng góp nhiều vào tốc độ tăng GRDP trên địa bàn. Đó là 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ chủ lực của thành phố. Đối với 4 ngành công nghiệp, cần chú ý ngành điện tử - viễn thông đang chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới và ngành tinh chế lương thực thực phẩm. Đối với khu vực dịch vụ, cần tập trung vào 5/9 nhóm ngành là: tài chính - ngân hàng; thương mại; bất động sản; cảng - logistics và du lịch. Để bảo đảm khu vực công nghiệp - xây dựng, vốn đóng góp khoảng 25% vào cơ cấu GRDP, chúng ta nên ưu tiên thúc đẩy ngành xây dựng.

Để xúc tiến những đầu việc này, trong tháng 3, TPHCM tập trung vào một số việc lớn đã và đang làm như thúc đẩy các dự án hạ tầng, hoàn thành dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, giải ngân các nhóm lĩnh vực thuộc đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính - chuyển đổi số… Bên cạnh đó, bám sát để triển khai thực hiện các mục tiêu ngắn hạn như: tập trung ổn định việc làm, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp và người lao động; tăng cường hoạt động các sàn giao dịch việc làm (mở rộng thời gian nộp hồ sơ xin việc, giảm phí giới thiệu việc làm…); mở các kênh tiếp nhận ý kiến trực tuyến của người lao động; cải thiện các dịch vụ công; không để phát sinh các chi phí phụ như gánh nặng an sinh. “Tình hình có dấu hiệu tốt hơn, cần làm tốt hơn nữa để kết thúc quý 1 tốt nhất, tạo đà cho quý 2”, mệnh lệnh ấy của người đứng đầu chính quyền thành phố chính là cam kết bằng hành động ở tháng 3.

Tin cùng chuyên mục