Đọc bài viết “Tổ chim” giữa đại dương, đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 18-6, tôi rất cảm phục những chiến sĩ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc nói chung và nhà giàn DK1 nói riêng. Cảm phục là vì cuộc sống nơi “tổ chim” ngày nay chắc chắn có những khó khăn hơn so với cuộc sống của các chiến sĩ thời kháng chiến chống Mỹ như chúng tôi.
Hồi đó, cuộc sống của người lính chúng tôi tuy vô cùng gian khổ, nhưng bù lại những lúc ở căn cứ vẫn có thể trồng trọt rau củ và chăn nuôi heo gà để cải thiện bữa ăn. Hồi đó, tôi cũng thường được giao nhiệm vụ đi cải thiện bữa ăn cho đơn vị nên có kinh nghiệm là đi theo các dòng suối vừa dễ kiếm được thức ăn hơn và vừa không sợ bị lạc đường.
Hồi đó tuy có nhiều bom pháo, đặc biệt là máy bay Mỹ thường xuyên tuần tra nhưng chúng tôi vẫn có những thời gian sinh hoạt vì đã có rừng cây che chở. Cuộc sống của người lính của chúng tôi hồi đó là vậy, còn bây giờ những người lính trên nhà giàn DK1 chỉ có “tổ chim” với biển cả mênh mông. Ngoài nỗi buồn nơi biển cả, cuộc sống vật chất của những người lính nhà giàn cũng rất khó khăn, nhất là nước ngọt và thực phẩm tươi.
“22 năm qua, có những cơn sóng cao từ 13 - 15m, có sức tàn phá khủng khiếp, đã đánh đổ nhấn chìm 5 nhà giàn, 1 tàu trực. 9 cán bộ chiến sĩ chốt giữ nhà giàn đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều người phải lênh đênh trôi dạt trên biển hàng chục giờ trong cái nắng cháy da, cái đói, cái rét thấu xương.
Thế nhưng, nhà giàn này đổ lại có nhà khác được xây lên, lớp trước ngã xuống lại có lớp sau tiếp bước. Các anh vẫn trụ vững để bảo vệ vùng biển và thềm lục địa phía Đông và Tây Nam của Tổ quốc”. Đó cũng là niềm tin yêu của những người ở hậu phương như chúng tôi.
BÙI HIỂN