Nga trải qua một năm đầy sóng gió vì các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Nhưng tại diễn đàn kinh tế Saint Petersburg lần thứ 19 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin vẫn khẳng định Nga đủ khả năng chống cự.
Hơn thế nữa, Điện Kremlin còn khiêu khích châu Âu khi lôi kéo Hy Lạp vào dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt xuyên qua biển Đen vươn tới Thổ Nhĩ Kỳ. Sau 3 ngày diễn ra diễn đàn, hơn 200 thỏa thuận, hợp đồng hay bản ghi nhớ, tổng trị giá lên tới 293 tỷ rouble - hơn 5 tỷ EUR, đã được ký kết trong dịp này.
Trước đó, các số liệu thống kê chính thức đều cho thấy nước Nga trong một năm qua đang chìm sâu vào khủng hoảng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1-2015 giảm 2,2% so với một năm trước đây và nhiều dự báo cho thấy GDP của Nga sẽ bị sụt giảm hơn 3% trong năm 2015. Vào tháng 11-2014, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhìn nhận nền kinh tế Nga bị thiệt hại khoảng 40 tỷ USD do tác động trực tiếp của các đợt trừng phạt kinh tế mà Mỹ và EU đã ban hành. Cho tới thời điểm đó, hơn 140 tỷ USD vốn đầu tư ngoại quốc đã chảy ra khỏi nước Nga.
Tuy nhiên, tác động của lệnh cấm vận Nga đang có xu thế đảo chiều và phần thiệt hại đang tăng lên cho chính bên áp đặt lệnh cấm vận. Đài RFI cho biết, yếu tố lớn nhất gây khó khăn cho nước Nga là hiện tượng giá dầu và khí đốt giảm mạnh từ mùa thu năm 2014. Nhưng trên thực tế, xu hướng giảm của giá dầu, khí đốt trong những tháng gần đây đã bắt đầu chậm lại và điều đó giúp cho kinh tế của Nga tránh được kịch bản đen tối nhất. Đồng rouble, sau khi giảm giá mạnh hồi tháng 12-2014 đã lấy lại phong độ, và quan trọng hơn là với tỷ giá hối đoái hiện tại ở mức 1 USD đổi lấy 53 rouble thay vì 80 rouble/USD như tháng 12-2014. Với tỷ giá trên dưới 50 rouble đổi lấy 1 USD, giới doanh nhân Nga cảm thấy yên tâm hơn và điều này có lợi cho hàng xuất khẩu của Nga.
Các doanh nghiệp Nga cũng đã nhanh chóng hướng về những thị trường mới ở châu Á và Trung Đông. Do vậy một số nhà quan sát cho rằng nếu chính sách trừng phạt nước Nga kéo dài, sẽ bất lợi trước hết cho chính bản thân các doanh nghiệp của châu Âu, Mỹ đang hoạt động tại Nga. Philippe Pegorier, Giám đốc chi nhánh tại Nga của tập đoàn đa quốc gia về máy phát điện và hệ thống đường sắt Alstom (Pháp) cho rằng Alstom đã thích nghi với tình thế. Nga chỉ bị EU và Mỹ trừng phạt, nhưng đó không phải là lệnh cấm vận LHQ, cho nên tập đoàn này đã tìm ra những giải pháp khác để làm việc với Nga. Chẳng hạn như trực tiếp đầu tư vào Nga để sản xuất ngay tại chỗ, hoặc là mua trang thiết bị và nguyên liệu cần thiết từ các thị trường khác ngoài khu vực châu Âu, ví dụ như từ Ấn Độ hay Trung Quốc.
EU và Mỹ đang trả giá cho chính sách cứng rắn đối với Nga. Theo nghiên cứu gần đây nhất của Viện Kinh tế Áo Wifo, hơn 2 triệu việc làm trong EU và Thụy Sĩ bị đe dọa; thiệt hại do chính sách trừng phạt Nga có thể lên tới 100 tỷ EUR. Trong quý 1-2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang thị trường Nga giảm 33,6%. Trong mùa đông vừa qua, khối lượng du khách Nga sang Pháp trượt tuyết giảm 27%. Việc hạn chế buôn bán với Nga đe dọa giảm đến 1% GDP của nước Đức. Chỉ riêng ngành nông nghiệp và chăn nuôi, nhiều thành viên EU như Tây Ban Nha, hay Italia, Hà Lan bị tác động mạnh do Nga ngừng nhập rau quả, thịt bò và sữa của châu Âu.
KHÁNH MINH