Cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong công tác dân vận

Ngày 6-1, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân vận năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng, những thành tích mà hệ thống dân vận và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đạt được trong năm 2022.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, công tác dân vận phải làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, lý giải thấu đáo, kiên trì thuyết phục để nhân dân hiểu đúng tình hình đất nước và thế giới, những tác động tới đất nước; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Trên cơ sở đó, vận động, hướng dẫn nhân dân tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Không chỉ nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, lãnh đạo các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, chân thành lắng nghe, giải quyết kịp thời những bức xúc, vụ việc khiếu kiện, tiêu cực, tham nhũng mà nhân dân quan tâm; khắc phục hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính gây phiền hà, cản trở cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong thực hiện công tác dân vận, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phải luôn ý thức sâu sắc “dân là gốc”, “lòng dân là thước đo”; nghiên cứu kỹ, thấu đáo nhiều chiều, phù hợp với thực tiễn khi ban hành chủ trương, chính sách.

Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thật sự là các “quyết sách lòng dân”, xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phải lấy chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của các chính sách; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”...

Tin cùng chuyên mục