Trừ một số ngôi sao trong làng giải trí vốn đã có của ăn của để, cuộc sống nói chung của các nghệ sĩ thuộc trường phái “hàn lâm” đã khổ lại càng khổ hơn khi các địa điểm hành nghề bị co cụm vì giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19, trong khi người thưởng ngoạn không còn sẵn lòng chi trả “GDP văn hóa” vì thu nhập giảm sút.
Nhưng muốn kéo khán giả trở lại cũng không dễ, bởi điều kiện tiên quyết là phải có phim mục, kịch mục và sách mục cuốn hút, không còn sợ sệt con virus nhỏ bé gặm nhấm. Thế nên, các rạp chiếu phim từ trung tuần tháng 8 đã mừng ra mặt lúc bộ phim bom tấn “Tenet” của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan được chiếu trước tại Việt Nam và Trung Quốc trước khi công chiếu lần đầu tại thị trường Bắc Mỹ. Hãng Warner Bros đã lưỡng lự cả năm về lịch chiếu kiểu như Hamlet “tồn tại hay không tồn tại” vì đầu tư sản xuất hơn 200 triệu USD, tiền quảng bá 150 triệu USD, muốn hòa và thắng phải có doanh thu tối thiểu 800 triệu USD.
Cuối cùng, đạo diễn và hãng sản xuất quyết định không chiếu trên nền tảng mạng như Neflix để chiếu rạp nhằm cứu vãn một thị trường điện ảnh ảm đạm mùa dịch Covid-19. Và thế là các hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam đã sáng đèn trở lại nhờ bom tấn Hollywood, tiếp sau một bom tấn khác của Hàn Quốc là “Train to Busan” phần 2. Tất nhiên, khán giả mong chờ một phim “bom tạ” cây nhà lá vườn như phim của đạo diễn Lương Đình Dũng, đã vận động góp vốn và tài trợ được trên 60 tỷ đồng, song vì dịch ở đỉnh nên chỉ quay xong phần ngoại cảnh để chờ thực hiện tiếp khi dịch không còn diễn biến phức tạp.
Nếu như điện ảnh còn mong chờ bom tấn ngoại nhập thì sân khấu không thể đẩy lên bằng ngoại lực. Cảnh tượng đìu hiu vẫn là điều thấy trước vì ít có đột biến về kịch mục, vẫn thiếu trầm trọng kịch bản hay cũng như lối diễn xuất thần chỉ có ở một vài diễn viên cũ. Khi mở lại Sân khấu Thế Giới Trẻ, đạo diễn Ngọc Hùng chỉ nghĩ đơn giản là phải có đất diễn để tạm nuôi sống đội ngũ diễn viên và nhân viên hậu đài “cho qua dịch”, song không ngờ vé bán ra cũng khá khẩm, có buổi diễn phải xếp thêm ghế phụ. Và như anh tâm sự khiêm tốn là “có lẽ người xem thương mấy anh em làm nghề và họ cũng muốn giải tỏa căng thẳng những ngày giãn cách xã hội”. Nhưng không phải ai cũng “mát tay” như Thế Giới Trẻ hoặc IDECAF. Bà bầu Mỹ Uyên của Sân khấu 5B Võ Văn Tần đang nhàu nhĩ vì chưa biết số phận sân khấu ra sao, có bị lấy lại mặt bằng mà chị đầu tư bằng cả vật chất lẫn tâm hồn luôn cháy bỏng vì một nền sân khấu khai phóng.
Đâu chỉ có sân khấu đòi hỏi tiêu chí tồn tại thiên, địa, nhân hòa và còn nhiều sau đó như khâu phát hành, quảng bá…, mảng sách cũng u ám dù có vẻ lóe sáng ở cuối đường hầm nhờ bán sách qua mạng.
Thứ nhất, không thể có “trực tuyến” nào thay thế được cảnh tượng tận mắt, tận tay rờ vào bìa sách còn thơm mùi mực cũng như được tiếp xúc với tác giả bằng xương bằng thịt. Dẫn chứng là hội sách online đã diễn ra không như kỳ vọng, chỉ bằng phần ngàn hội sách ở Công viên Lê Văn Tám vốn được tổ chức 2 năm một lần xét về doanh thu cũng như sức hút của sách.
Thứ hai, trong cả 2 đợt dịch bệnh, gần như giới sáng tác không tung ra được cuốn sách nào có giá trị về tầm tư tưởng lẫn giá trị thương mại. Chỉ rặt những cuốn sách cũ đã phát hành, sách biên khảo, sách trước năm 1975 và... hết.
Thứ ba, sách lậu dù đã nói cả chục năm song vẫn tồn tại giống như con quỷ Medusa, chặt đầu này lại mọc ra đầu khác và những người làm sách chân chính chỉ thở dài “hên, xui, phải chung sống với sách lậu, sách giả”.
Rõ ràng, chúng ta cần có “bom tấn” để kích hoạt, phá vỡ khối bê tông án ngữ thị trường văn hóa nghệ thuật. Muốn vậy phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng người; phải có sự nỗ lực tự vươn lên và phải có nhiều thứ khác mà ai cũng biết, cũng nói. Song vấn đề lớn nhất vẫn là nguồn nhân lực sáng tạo. Ở đây đã rõ là muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Nhưng thầy giỏi thì lại là cả vấn đề khi đâu đó vẫn còn tình trạng trò… giỏi hơn thầy. Trong khi chúng ta cho phép gần như tất cả các trường đại học mở ngành đào tạo sân khấu và điện ảnh thì số lượng giảng viên cả cơ hữu lẫn thỉnh giảng vẫn chỉ có anh A, chị B với vốn kiến thức chỉ trên sách dịch và chưa từng có bất kỳ tác phẩm nào được dàn dựng. Vụ điểm 10 môn văn trong cuộc thi tốt nghiệp THPT vừa qua minh chứng mới nhất về độ vênh và lỗ hổng: Đại gia Gatsby (thật ra dịch như vậy chưa chuẩn) là tác phẩm vĩ đại nhất của văn học Mỹ, nhưng không ít giáo viên ngữ văn chưa từng đọc, chưa từng biết.
Văn học nghệ thuật là lĩnh vực hết sức đặc thù, cần tài năng và sự khổ công rèn luyện nên cần phải có cách tiếp cận cũng hết sức đặc thù, bắt đầu từ người thầy…