Cục Trẻ em cho biết, đến hết tháng 8-2021, cả nước có hơn 11.800 trẻ em là F0, hơn 27.300 trẻ em là F1. Trong đó, TPHCM là địa phương có số trẻ em là F0 và F1 cao nhất cả nước, với 2.463 trẻ đang điều trị. Dịch bệnh đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của các em khi phải cách ly nhiều ngày, làm tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo lực, mất an toàn do giãn cách xã hội, làm gián đoạn việc học tập của trẻ. Đây là những vấn đề sẽ tác động lâu dài đến trẻ. Đặc biệt, trẻ không còn ba mẹ sẽ ảnh hưởng việc phát triển về sau, chịu nhiều thiệt thòi trong học tập và cuộc sống.
Ở nước ta, Luật Trẻ em quy định bảo vệ trẻ em là thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm hại trẻ em; giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Luật Trẻ em nghiêm cấm hành vi từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm… Thực hiện và cụ thể hóa những chủ trương mang tính nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, các bộ ngành chức năng và chính quyền TPHCM cần có kế hoạch ưu tiên điều trị, chăm sóc trẻ em bị mắc Covid-19 tại các cơ sở y tế và trẻ em phải cách ly tại cơ sở cách ly tập trung.
Trẻ em cũng cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý. Ngành y tế nên ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ em trong cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung, học sinh tại các điểm nóng về dịch bệnh, góp phần hiệu quả miễn dịch cộng đồng. Riêng với trẻ mồ côi do ba mẹ, người giám hộ, người chăm sóc mất vì Covid-19, các tỉnh thành và TPHCM sớm triển khai thiết lập cơ sở bảo trợ xã hội chuyên trách tiếp nhận, chăm sóc thay thế và có chính sách hỗ trợ phù hợp.