KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU, Chủ tịch Hội KTS TPHCM: Đã tốt nhưng có thể tốt hơn nữa
Thời gian qua, đường đi bộ Nguyễn Huệ đã thực sự trở thành điểm đến của rất nhiều người và với công trình này, TPHCM đã làm tốt. Thế nhưng, TPHCM vẫn có thể làm tốt hơn. Đường Nguyễn Huệ nói riêng và toàn khu vực bao gồm cả đường Lê Lợi, Đồng Khởi… giống như phòng khách của TPHCM. Do vậy, nó luôn cần được làm mới để thu hút người dân và du khách.
Theo tôi, phần quảng trường Tượng đài Bác Hồ, tính từ trụ sở UBND TP đến giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ, có cây xanh, mặt nước, tạo được sự gần gũi thân thiện. Đây là điểm sáng cho không gian đô thị. Phần kéo dài từ giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ tới bờ sông thực sự đã trở thành một không gian quảng trường song tôi tiếc là ở không gian này chỉ sử dụng được vào ban đêm vì đặc điểm thời tiết của TPHCM là nắng quanh năm, dù trong cả mùa mưa.
Do vậy, tôi cho rằng, nên nghiên cứu bổ sung cây xanh, loại có bóng mát. Hiện nay trồng ven quảng trường chủ yếu là cây lộc vừng. Cây lộc vừng là loại cây không tỏa bóng mát trong khi nền đường lại lát loại đá có độ hấp thụ nhiệt rất cao, thời gian giải nhiệt dài. TP có trồng bổ sung các bồn cây, dây leo nhưng đó cũng chỉ tạo màu xanh trong tầm mắt nhìn chứ không phải là cây tạo bóng mát. Hai vị trí có các vòi phun nước hiện nay là vòi phun dạng sử dụng cho đường phố chứ không phải là đài phun nước cho quảng trường. Chính vì thế nên thời gian sử dụng hạn chế, việc giải nhiệt cũng hạn chế và không tạo được điểm nhấn kiến trúc.
Cần bổ sung, thiết kế lại đài phun nước dạng sử dụng cho quảng trường để gia tăng thời gian hoạt động, tăng độ giải nhiệt và cả tạo dáng cho không gian quảng trường về mặt thẩm mỹ. Thêm nữa, thành phố nên chọn một số tượng nghệ thuật ngoài trời trưng bày ở đây để tạo thêm tính nghệ thuật cho không gian. Nếu được thiết kế và tổ chức tốt, tôi nghĩ đó có thể là những điểm nhấn mà người dân, du khách có thể tham gia các hoạt động như vẽ tranh, chụp ảnh, biểu diễn nghệ thuật ngay cả vào ban ngày. Thành phố nên cho phép một số nhà hàng, khách sạn mở các quán cà phê hay quán ăn nhẹ ở đây.
GS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Thêm mảng xanh và công trình kiến trúc ấn tượng
Bước đầu, đường đi bộ Nguyễn Huệ đã tạo được dấu ấn tốt với đông đảo người dân. Nếu TPHCM nghiên cứu đầu tư thêm mảng xanh, các không gian nghệ thuật và một số công trình kiến trúc có ấn tượng, tuyến đường đi bộ này còn hấp dẫn hơn, nhất là khi mặt đường Lê Lợi đang được “trả” lại cho thành phố. Kết hợp với việc tổ chức lại không gian của tuyến đường Lê Lợi với tuyến đường Nguyễn Huệ, TPHCM sẽ có đường một quảng trường - phố đi bộ đẹp, ấn tượng như nhiều đô thị lớn khác trên thế giới.
Theo tôi, phần từ giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi tới trước cửa UBND TPHCM - nơi có tượng Bác Hồ, đã khá ổn về mặt kiến trúc. Tuy nhiên, từ giao lộ này xuôi về hướng sông Sài Gòn nên bố trí thêm mảng xanh, các đài phun nước nghệ thuật để vừa tạo không khí mát mẻ vừa tạo thêm không gian cảnh quan hấp dẫn cho người dân và du khách.
Trước đây do yêu cầu thi công tuyến đường ngầm cho dự án metro số 1, các cơ quan chức năng đã buộc phải tạm tháo dỡ một bồn phun nước nằm giữa giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, nay khu vực này đã thi công xong thì TP nên tái lập. Cần nghiên cứu để bồn phun nước này vừa kế thừa được kiến trúc cũ vừa đảm bảo được tính hiện đại. Từ giao lộ này theo đường Lê Lợi về phía chợ Bến Thành cũng nên được tăng cường thêm mảng xanh. Trục đường này có nhiều cửa hàng buôn bán của người dân và doanh nghiệp, TPHCM nên tận dụng, tổ chức cho đẹp hơn, sạch sẽ, văn minh hơn để nơi này vừa là không gian đi bộ vừa là tuyến đường mua sắm, nhất là mua sắm vào ban đêm cho người dân và du khách.
Hiện nay ở góc chợ Bến Thành đã có chợ đêm với nhiều hoạt động buôn bán và ăn uống. Kết nối hoạt động mua bán, giải trí ở đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ với không gian mua sắm, ăn uống ở chợ Bến Thành, TPHCM sẽ có một quảng trường, một khu vực đi bộ, mua sắm, ăn uống giải trí hấp dẫn.
Nơi này có thể tổ chức các xe buýt điện nhỏ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt, nên nghiên cứu tổ chức những khu nhỏ gần sông Sài Gòn cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian…
Từ những năm 2011-2012, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã cùng với đơn vị tư vấn quy hoạch quốc tế nghiên cứu và đề xuất ý tưởng tạo cảnh quan và không gian nghệ thuật cho các tuyến đường trong khu vực trung tâm thành phố với các yêu cầu cụ thể như định hướng tổ chức không gian đi bộ, tổ chức giao thông và các khu vực đỗ xe, hướng dẫn thiết kế đô thị cũng như thiết kế cảnh quan đường phố.
Nhiều ý tưởng đã được đề xuất, như tăng cường các kiến trúc đặc trưng về cảnh quan, những nét riêng có tính hấp dẫn về lịch sử, truyền thống và cả hiện đại; tối ưu hóa các tiện ích, chức năng cho người dân thành phố trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nhiều mưa và nắng nóng; kết hợp giữa sự gia tăng các hệ thống giao thông công cộng và sự hình thành phát triển của không gian đi bộ một cách hài hòa… Bắt nguồn từ những nghiên cứu này, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, Hội Kiến trúc sư TPHCM đã tổ chức thi thiết kế một số công trình kiến trúc cho khu vực đường đi bộ Nguyễn Huệ.
Việc TPHCM sau khi thực hiện chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Huệ, có kế hoạch bắt tay vào chỉnh trang tiếp tục trục Lê Lợi và các tuyến đường xung quanh, là hết sức cần thiết. Bởi thực tế thời gian qua đã chứng minh, đường đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành địa chỉ yêu thích của nhiều người dân và du khách.
Việc mở rộng, nâng cấp cả khu vực sẽ không chỉ làm cho nơi đây thêm hấp dẫn mà còn là động lực tốt, góp phần cho sự tăng trưởng của thành phố, nhất là du lịch. Trước mắt, thành phố nên hoàn chỉnh không gian công viên phía trước, phía sau Nhà hát thành phố và không gian khu vực giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ.
Tại đây nên kết hợp các yếu tố cảnh quan nước, mảng xanh và không gian tượng đài Bác. Tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan tại vị trí giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi trên cơ sở đảm bảo về mặt giao thông và tầm nhìn thông thoáng từ phía tượng đài Bác về hướng sông Sài Gòn, đồng thời đảm bảo tính trang nghiêm trước tượng đài Bác. Giữa điểm giao này có thể xem xét sử dụng hình thức hồ nước tĩnh, có biểu tượng nghệ thuật, kết hợp có phun (đài phun nước) để vừa giải quyết yêu cầu điểm nhấn cảnh quan, chuyển tiếp không gian (tĩnh và động: chính trị, văn hóa của khu vực trước UBND TP và tượng đài Bác Hồ với hoạt động thương mại du lịch… phía hướng ra bờ sông Sài Gòn) vừa giúp cải thiện môi trường.
Một trong những công trình ở giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi mà Trường Đại học Kiến trúc TPHCM và Hội Kiến trúc sư TPHCM đã tổ chức thi tuyển là đài phun nước. Và phương án được chọn có hình tượng chính là tượng hoa sen bằng thủy tinh ở vị trí trung tâm được cách điệu từ nụ hoa sen đang nở, đồng thời kết hợp với các vòi phun nước hướng vào tâm thể hiện tinh thần đoàn kết cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung của thành phố. Thiết kế mang tính hiện đại thân thiện và tôn trọng kiến trúc đặc trưng của trụ sở UBND TPHCM và Nhà hát Thành phố qua những chi tiết gờ chỉ, màu sắc trên thành hồ, ghế đá, bồn cây và lối đi bộ xung quanh đài phun nước. Chiều cao thiết kế của đài phun nước đã nghiên cứu đảm bảo góc nhìn thông thoáng từ tượng đài Bác Hồ theo trục Nguyễn Huệ ra sông Sài Gòn, tạo tầm nhìn phù hợp cho khách bộ hành mà không làm che khuất tượng Bác Hồ và trụ sở UBND TPHCM.
Sau khi metro số 1 được hoàn thành, hoàn trả hết mặt bằng đường Lê Lợi, TPHCM nên hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của toàn bộ trục đường Lê Lợi, hướng tới việc định hình toàn bộ không gian công cộng kết hợp với không gian ngầm, thương mại dịch vụ dọc hai bên đường.
Khu vực này, được chỉnh trang và làm đẹp hơn nữa, tôi tin rằng không chỉ là điểm nhấn kiến trúc cho thành phố mà còn góp phần giúp thành phố phát triển kinh tế, xã hội.