Sẽ có khoảng 7 tỷ đồng trong năm 2011 dành cho công tác đào tạo trẻ của thể thao TPHCM, phần lớn dành để hỗ trợ các chuyến xuất ngoại tập huấn và thi đấu của một số tài năng trẻ vừa thi đấu thành công tại Đại hội TDTT toàn quốc cuối năm trước như VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn, VĐV bơi lội Kim Tuyến hay tay vợt trẻ Hoàng Thiên. Có thể nói, đây là mức đầu tư không nhỏ và có định hướng rõ.
Tuy nhiên, những ai quan tâm đến thể thao đỉnh cao TPHCM đều cho rằng đầu tư cho những cá nhân nổi bật như vậy cũng chỉ là việc phải làm chứ chưa đủ sức tạo nên một cú hích thật tương xứng đối với trung tâm hàng đầu Việt Nam này. Trong vòng 5 năm trở lại đây, thể thao thành phố hầu như giậm chân tại chỗ trên mọi mặt. Không ai phủ nhận, tiềm năng phát triển của thành phố vẫn còn lớn, trước mắt, về thành tích đỉnh cao cũng chỉ kém Hà Nội. Tuy nhiên, tất cả các tiềm năng ấy đã lâu ngày không được khai phá mạnh mẽ, dẫn đến thụt lùi dần đều.
Ví dụ như hệ thống cơ sở vật chất. Dù được đầu tư rộng khắp, quận huyện nào cũng có nhà thi đấu, trung tâm tập luyện nhưng một đô thị lớn như TPHCM vẫn chưa hình thành nổi khu liên hợp thể thao tầm vóc quốc tế. Dự án Rạch Chiếc vẫn chưa chuyển động hiệu quả, sân vận động trung tâm Thống Nhất đang dần trở thành trung tâm dịch vụ, hoạt động mang tính phong trào ngoài các trận đấu bóng đá. Trung tâm thể thao Phú Thọ, lớn nhất thành phố, chủ yếu để cho thuê dịch vụ ngoài thể thao, các cơ sở tại quận huyện chỉ dừng ở mức độ duy trì. Ngay như nhà thi đấu Phan Đình Phùng cũng đang có kế hoạch sửa chữa trên nền mặt bằng hiện tại, vốn không đủ lớn để hình thành một khu thi đấu tầm cỡ, dù đây là địa điểm rất đắc địa.
Giới chuyên môn nhận định, một trong những nguyên nhân khiến thể thao đỉnh cao của TPHCM sa sút chính là sự thiếu năng động của toàn ngành, trong đó có sự kém hiệu quả của các liên đoàn xã hội vốn nhiều và đa dạng nhất cả nước. Hoạt động cầm chừng, cơ sở vật chất không khai thác hiệu quả, hệ thống đào tạo ngày càng kém về quy mô lẫn chất lượng. Nếu trước đây, ở các môn đều có các VĐV nổi bật hoặc đóng góp nhiều cho đội tuyển quốc gia thì nay ngay cả các VĐV hàng đầu như Tiến Minh, Trương Thanh Hằng… đều tìm đến các địa phương khác để nhận được sự đầu tư. Trường Năng khiếu nghiệp vụ hiện không đào tạo nổi một đội bóng chuyền hoàn chỉnh vì không giải quyết được khâu hoặc văn hóa hay thi đấu chuyên nghiệp.
Thể thao đỉnh cao TPHCM cần một cú hích, từ thành tích ở các môn thế mạnh đến mức độ đầu tư và quan trọng nhất là chiến lược 5 - 10 năm để lấy lại vị thế của mình. Thế nhưng, ngay đề án đăng cai một kỳ SEA Games các năm 2017 hoặc 2019 vẫn chưa được đề xuất triển khai trong khi diện tích dành cho thể thao ở khu phức hợp Rạch Chiếc ngày càng thu hẹp vì sự bế tắc trong việc tìm ngân sách đầu tư của ngành thể thao.
Ngoài Liên đoàn Bóng đá đã có sự chuyển biến mạnh từ phong trào đến việc phát triển 3 đội bóng có chất lượng thi đấu ở hạng nhất và V-League thì các liên đoàn khác đều im hơi, lặng tiếng. Một số liên đoàn từng một thời đi đầu cả nước như bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ và bóng bàn đang có xu hướng trả việc lại cho cơ quan quản lý nhà nước. Với việc sáp nhập các sở quản lý về với nhau, liên đoàn xã hội lại hoạt động kém thì những con người hiện tại của ngành thể thao TPHCM khó mà “ôm” tất cả mọi việc. Trong 1 năm trở lại đây, thể thao đỉnh cao cũng chỉ mới tập trung giải quyết các phần việc trước mắt hơn là có chiến lược lâu dài, mang tầm nhìn lâu dài.
Muốn có sự thay đổi mạnh nhất định phải có kế hoạch dài hạn và chọn thời điểm thích hợp để làm mục tiêu tạo nên cú hích đủ để thúc đẩy toàn ngành. Với cách làm mang nặng tính “chữa cháy”, duy trì hiện nay, thật khó để thay đổi được bộ mặt thể thao thành phố dù ai cũng công nhận nền tảng thể thao phong trào TPHCM vẫn rộng và mạnh nhất cả nước.
VIỆT QUANG