Cần nhân rộng, duy trì, tránh hình thức

Câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh công khai số điện thoại di động cá nhân của mình và chỉ trong hai ngày đã nhận hàng ngàn cuộc gọi, hàng loạt tin nhắn của người dân được báo chí đưa tin và được nhiều người quan tâm.

Thực tế, việc lãnh đạo các địa phương, chủ tịch UBND tỉnh hay lãnh đạo các sở, ban ngành... công khai số điện thoại cá nhân với mục đích tiếp nhận các thông tin, phản ánh, kiến nghị, thậm chí là những khiếu nại, bức xúc của người dân liên quan đến các thủ tục hành chính khi đi làm hồ sơ, không phải là chuyện mới mẻ.

Trước đó, tại một số địa phương, cũng có nhiều lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước, ban ngành công khai “đường dây nóng” là số điện thoại cá nhân của mình đã được nhiều người quan tâm, đồng tình và ủng hộ.

Đây là một “kênh” thông tin để người đứng đầu các địa phương tiếp nhận, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; từ đó giải quyết thấu đáo những phản ánh, khiếu nại và cả những bức xúc chính đáng của họ. Bởi lẽ trong thực tế, có rất nhiều người dân khi đi thực hiện các thủ tục hành chính đã bị nhũng nhiễu, bị cán bộ, công chức gây phiền hà nhưng không biết phản ánh với ai.

Điều mà người dân cần và quan tâm nhiều nhất là thông qua “đường dây nóng”, thông qua số điện thoại cá nhân của lãnh đạo, những bức xúc cũng như những khiếu nại, tâm tư nguyện vọng của họ, đặc biệt là liên quan đến thủ tục hành chính, sau khi phản ánh sẽ được nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết.

Việc công khai số điện thoại cá nhân của lãnh đạo chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn...) vi phạm đạo đức công vụ; cải thiện thái độ phục vụ, nâng cao nền phục vụ hành chính công, tạo niềm tin trong mắt người dân.

Tin cùng chuyên mục