Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ chính thức khai mạc. Nhưng hiện tại, Hà Nội vẫn còn ngổn ngang bề bộn nhiều thứ, với những công trình chắp vá chưa đâu vào đâu. Có lẽ người Việt Nam chúng ta quen thói “nước đến chân mới nhảy”, nên mặc dù thời gian chuẩn bị không thiếu, nhưng công việc cứ rề rà, gần đến “giờ G” mới đua nhau chạy nước rút, nguy cơ “đẻ non” của một số công trình là khó tránh khỏi.
Lại nữa, không ít các đầu việc mừng đại lễ chỉ tập trung vào những biểu hiện bề nổi, thiếu chiều sâu, chưa gắn với việc nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân thủ đô nói chung, cả nước nói riêng. Khi mọi việc hãy còn đang rối tinh rối mù, một cơn mưa kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ vào sáng ngày 13-7 đã dìm Hà Nội ngập chìm trong biển nước mênh mông, có nơi nước dâng cao cả thước so với mặt đường. Một trong những nguyên nhân gây ngập nước kéo dài, trên diện rộng, là do nạn đào đường vô tội vạ nhằm thực hiện một số công trình chào mừng đại lễ (!). Nước ngập, cộng với hiện tượng rò rỉ điện đã khiến ít nhất 3 người dân - trong đó có 1 nữ sinh viên - bị điện giật chết thảm thương.
Nhưng có lẽ đây chỉ mới là “khúc dạo đầu”! Trong 2, 3 tháng tới, mưa bão chắc chắn nhiều hơn, nạn nước ngập, ùn xe, tắc đường ở Hà Nội chưa có dấu hiệu giảm, lại thêm việc chuẩn bị quyên góp cứu trợ đồng bào bị bão lụt. Từ đó, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thế nào cũng bị ảnh hưởng, chi phối ít nhiều.
Do vậy, tôi có một mong muốn: Ước gì trong dịp kỷ niệm trọng đại này, thủ đô không còn tình trạng kẹt xe, tắc đường, ngập lụt sau mưa; người với người thật sự là bạn, vui vẻ, cởi mở, biết nhường nhịn nhau… Giải quyết được những yêu cầu cơ bản thiết thân đó cho người dân, chắc chắn tốt hơn vạn lần những thứ “sơn son thếp vàng” rực rỡ, hào nhoáng bề ngoài, nhưng chỉ xài qua một lần rồi bỏ. Lãng phí, hình thức vẫn còn là thói quen chưa gột rửa hết đối với nhiều cấp quản lý.
PHAN TRỌNG HIỀN (Ngô Tất Tố - Quận Bình Thạnh)