Cẩn trọng khi mua shophouse

Shophouse - một khái niệm mới xuất hiện chừng 2 năm trở lại đây - chỉ về căn hộ dùng để kinh doanh trong dự án chung cư. Mới xem qua thì thấy phương thức kinh doanh hay, nhưng thực tế thì rủi ro không ít.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Khu vực gọi shophouse nằm ở tầng thương mại, tùy theo dự án mà có thể bố trí ở tầng trệt, tầng 1 hoặc tầng 2, hoặc có thể cao hơn nữa. Trung tâm thương mại xuất hiện ở bất kỳ dự án chung cư nào, thường chiếm hệ số 0,5% - 1%, tùy theo phê duyệt của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết tầng thương mại của các chung cư khai thác không hiệu quả. Ở khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, một khu trung tâm thương mại rộng lớn cho đến giờ này, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, vẫn bỏ hoang.
Rút kinh nghiệm từ việc ế ẩm này, một số chủ đầu tư biến hình khu thương mại thành shophouse. Đơn cử, ồn ào nhất chính là dự án Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú). Giữa năm 2014, khi chủ đầu tư bàn giao 338 căn hộ cho khách hàng thì tầng lửng và tầng 1 được giới thiệu là khu cộng đồng (làm hồ bơi, trung tâm thương mại, vui chơi trẻ em…).
Sau đó một thời gian, chỉ có hồ bơi là giữ nguyên, còn lại biến thành 61 căn “ki ốt” hay còn gọi là shophouse để bán cho khách hàng. Trên thực tế, bên trong cái gọi là ki ốt được thiết kế thành một căn hộ hoàn chỉnh: có phòng ngủ, có bếp, có nhà vệ sinh. Bên ngoài hành lang, mỗi căn đều có cửa và khóa riêng biệt, tất nhiên chỉ có một mục đích là ở, không buôn bán gì (vì bán cho ai?). Dưới tầng trệt có thể buôn bán được, nhờ vào hai nguồn khách là cư dân chung cư và người dân địa phương, còn tầng lửng và tầng 1 thì ai lên đó mà mua? Vì vậy, những người đã mua các shophouse hiện nay thấp thỏm lo âu với mong mỏi duy nhất: được cấp giấy chủ quyền là căn hộ để ở! Với cách làm này, nhìn ở góc độ thương mại thì chủ đầu tư “thắng lớn”, còn nhìn ở góc độ xã hội là để lại sự “thua thiệt” cho khách hàng cũng như chính quyền địa phương khi phải xử lý hậu quả vụ việc.
Hiện nay có khá nhiều dự án chung cư quảng bá shophouse. Khách hàng nên tham khảo kỹ lưỡng trước khi quyết định: mục đích mua để kinh doanh hay để ở, nếu là thương mại liệu có rơi vào tình trạng ế ẩm hay không, khu vực đó có mãi lực nhiều hay không… Chưa hết, nếu khu trung tâm thương mại có diện tích lớn, chủ đầu tư thường sẽ hợp tác với đơn vị có tên tuổi hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ để khai thác; nếu trường hợp này xảy ra, chắc chắn cư dân sẽ không cạnh tranh nổi với chủ đầu tư! Đối với chủ đầu tư, việc hoạt động ế hay đắt của trung tâm thương mại không trở thành vấn đề, vì đã thu hồi cả vốn lẫn lời ngay từ khi bán căn hộ. Còn đối với khách hàng mua shophouse, nếu kinh doanh ế ẩm thì việc sang nhượng rất khó khăn, nguy cơ “chôn vốn” lâu dài là không tránh khỏi. 
Nói rằng cẩn trọng khi mua shophouse là vì vậy!

Tin cùng chuyên mục